Đó là quan điểm được TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra tại Hội thảo “Định vị hệ thống Ngân hàng sau tái cơ cấu” diễn ra sáng nay 23/10.
Ông Thiên cho rằng, tái cơ cấu Ngân hàng không thể thành công nếu hệ thống doanh nghiệp của chúng ta không mạnh lên. Nhiều công việc trong tái cơ cấu ngân hàng cần có sự hỗ trợ của các chương trình tái cơ cấu khác.
Hệ thống doanh nghiệp hiện nay quá yếu để có những ngân hàng mạnh, hệ thống pháp lý để bảo đảm cho ngân hàng cũng không đầy đủ. Như vậy, đặt tất cả trách nhiệm vào ngành ngân hàng là không công bằng.
Tại hội thảo, TS. Trần Đình Thiên đã đánh giá cao bản lĩnh và sự kiên cường của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trong 4 năm thực hiện tái cơ cấu. Tuy nhiên, ngoài những thành quả đạt được vẫn còn đó nhiều vấn đề ngổn ngang gây thắc mắc, thậm chí dẫn đến nghi ngờ về sự vững chắc của hệ thống ngân hàng hiện nay.
Ông Thiên cho rằng, có 4 nhóm vấn đề đặt ra buộc ngân hàng phải tái cơ cấu. Trong đó, ông Thiên nhấn mạnh việc ngân hàng phải gánh vác những nhiệm vụ không phải của mình, trong đó có nhiều việc của Bộ Tài chính.
“Khi ngân hàng làm nhiều việc không phải của mình thì không thể làm tốt được, nếu không muốn nói là sẽ sai rất nhiều thứ. Cái sai nghiêm trọng nhất của một hệ thống là sai về mặt chức năng”, ông Thiên cho biết.
Đồng quan điểm trên, ông Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng và Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng khẳng định, hiện chưa có sự đồng bộ và phối hợp giữa tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và tái cơ cấu nền kinh tế.
Đánh giá về những mặt hạn chế của quá trình tái cơ cấu, ông Đức cho rằng, việc tái cơ cấu hệ thống các doanh nghiệp trong nền kinh tế không hỗ trợ cho tái cơ cấu của các tổ chức tín dụng là một điều hoàn toàn khó khăn. Bởi vì, hoạt động của hệ thống tín dụng trước hết là phục vụ cho hoạt động của nền kinh tế.
Quy mô nhu cầu vốn tín dụng, hiệu quả hoạt động của tổ chức tín dụng đều phụ thuộc vào hiệu quả sản xuất kinh doanh và tình hình của doanh nghiệp trong nền kinh tế. Ngoài ra, tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng cũng chưa được gắn tái cơ cấu chi tiêu ngân sách nói chung và đầu tư công nói riêng.
Ông Đức kiến nghị, trong thời gian tới, nhà quản lý cần tập trung vào một số vấn đề như xác định hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu, mô hình của các ngân hàng thương mại và hoạt động của Ngân hàng Trung ương.
Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chủ trì, tổ chức thực hiện tái cơ cấu nhưng cũng cần tái cấu trúc cả hoạt động của ngân hàng nhà nước để ngân hàng nhà nước trở thành một Ngân hàng Trung ương thực sự giống như ở các nước có nền kinh tế thị trường, khi chúng ta đang tiến tới một nền kinh tế thị trường.