Chỉ tiêu khó giảm
Năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, khối ngân hàng thương mại nhà nước không còn áp lực về trích lập dự phòng và đạt lợi nhuận vượt trội. Khối ngân hàng cổ phần tư nhân cũng có nhiều thành viên lập kỷ lục mới về kết quả hoạt động.
Những ngày trước Tết Nguyên đán 2019, các nhà băng ồ ạt công bố con số lợi nhuận đạt được trong năm 2018 tăng trưởng mạnh, một phần là nhờ kiểm soát được nợ xấu, thu hồi nợ để hoàn nhập dự phòng rủi ro vào lợi nhuận. Trong đó, tại Vietcombank, con số lợi nhuận kỷ lục trên 18.000 tỷ đồng trước thuế trong năm 2018 tăng 63% so với năm 2017 và vượt 50% kế hoạch.
Với nhiều ngân hàng vừa và nhỏ, lợi nhuận thu về cũng có mức tăng trưởng cao trong năm 2018. Chẳng hạn, VIB báo lãi 2.741 tỷ đồng trước thuế, tăng gấp đôi so với năm trước đó. Mức lợi nhuận này vượt 37% kế hoạch đưa ra đầu năm. TPBank và Sacombank, cả hai đều dự báo lợi nhuận tăng mạnh, đạt trên 2.200 tỷ đồng. Maritime Bank ước tính lợi nhuận đạt hơn 1.000 tỷ đồng, gấp nhiều lần năm trước. Kienlongbank và Nam A Bank ước đạt lần lượt 300 tỷ đồng và trên 750 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Năm 2019, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 12% (tương đương trên 20.000 tỷ đồng), tăng trưởng tổng tài sản 12%, tăng trưởng tín dụng 15%, huy động vốn từ nền kinh tế tăng 13%, duy trì nợ xấu dưới 1%.
HDBank dự kiến đạt 5.077 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2019, tăng gần 27% so với mức 4.000 tỷ đồng năm 2018.
Tổng giám đốc ACB, ông Đỗ Minh Toàn cho hay, mục tiêu lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng năm nay là tăng 20 - 25%. Năm ngoái, ACB đạt gần 6.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, thực hiện vượt mục tiêu ban đầu (5.399 tỷ đồng).
Áp lực và nỗ lực
Năm 2019, giới phân tích tài chính - chứng khoán nhận định, tăng trưởng tín dụng khó có thể cao, trong khi áp lực đáp ứng tiêu chuẩn Basel II của các ngân hàng ngày một lớn. Để gia tăng nguồn thu, các ngân hàng sẽ phải đẩy mạnh phát triển hoạt động dịch vụ, song khó kỳ vọng tăng mạnh trong thời gian ngắn.
Chẳng hạn, tại Vietcombank, để đạt được con số lợi nhuận 18.000 tỷ đồng trước thuế trong năm 2018, bên cạnh việc tăng thu từ lãi thuần, bán lẻ, dịch vụ, cũng phải kể đến một phần không nhỏ dự phòng hoàn nhập vào lợi nhuận.
Theo một lãnh đạo cấp cao của nhà băng này, quỹ dự phòng rủi ro của Vietcombank hiện đạt gần 10.500 tỷ đồng, thu hồi nợ ngoại bảng đạt 3.271 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm qua, việc thoái vốn từ các tổ chức tín dụng khác thu về hàng nghìn tỷ đồng.
Vì thế, Vietcombank xác định, 2019 là năm của ngân hàng số. Trong 3 năm qua, Ngân hàng đã tập trung đầu tư và triển khai hệ thống ngân hàng lõi mới, để từ năm nay đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thúc đẩy dịch chuyển tỷ trọng nguồn thu thay vì dựa nhiều vào tín dụng như trước.
Cùng với tín dụng, nợ xấu và trích lập dự phòng là các yếu tố kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay. Bởi trong năm 2019, tiếp tục có lượng lớn nợ đã bán sang VAMC sẽ đáo hạn.
Tại Nam A Bank, ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, mục tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến cho năm 2019 ở mức 1.000 tỷ đồng so với con số đạt được năm 2018 là gần 750 tỷ đồng. Để có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận này, Nam A Bank đã có sự chuẩn bị ngay từ đầu năm cả với huy động tiết kiệm và cho vay ra nền kinh tế. Trong đó, Ngân hàng sẽ đẩy mạnh tín dụng xanh, với lãi vay ưu đãi ở mức 7%/năm.
Năm 2019, VietinBank đặt kế hoạch lợi nhuận 9.500 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 6 - 8%. Lãnh đạo VietinBank cho biết, Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch hành động thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 theo đúng lộ trình. Đồng thời, bám sát phương án tăng vốn tự có đang trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện; tiếp tục khai thác tối đa các biện pháp tăng vốn tự có bao gồm phát hành trái phiếu thứ cấp; nâng cao hiệu quả đầu tư, góp vốn, cải thiện chất lượng danh mục tài sản có…
Ngoài ra, VietinBank sẽ tập trung cải thiện hiệu quả, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý gắn với quản lý tốt chất lượng tăng trưởng. Cải thiện hệ số NIM (thu nhập lãi thuần/tổng tài sản có sinh lời), quản trị tốt chi phí vốn, chuyển dịch mạnh cơ cấu thu nhập theo hướng tăng thu ngoài lãi. Đồng thời, đẩy mạnh thu hồi nợ, xử lý rủi ro, nợ xấu, nợ bán VAMC, nâng cao chất lượng tài sản.
Kết quả điều tra mới nhất của Vụ Dự báo thống kê, Ngân hàng Nhà nước cho thấy, các tổ chức tín dụng tiếp tục lạc quan về triển vọng kinh doanh. Trên cơ sở các yếu tố khách quan và chủ quan, 86% tổ chức tín dụng đánh giá, tình hình kinh doanh của đơn vị mình được cải thiện hơn trong năm 2018 so với cuối năm 2017. Năm 2019, khoảng 88% tổ chức tín dụng kỳ vọng, tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện so với năm 2018, trong đó có khoảng 35% tổ chức tín dụng dự báo tình hình kinh doanh sẽ cải thiện nhiều. Dự báo về tốc độ trưởng tín dụng năm nay, các tổ chức tín dụng kỳ vọng, dư nợ tín dụng của toàn hệ thống tăng trưởng bình quân 15,27%, trong đó tín dụng VND luôn được kỳ vọng tăng trưởng nhanh hơn so với tín dụng bằng ngoại tệ.
Theo thống kê từ hệ thống FiinPro Platform, tính đến hết ngày 31/1/2019, trên sàn chứng khoán có tổng cộng 672 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý IV/2018 (chiếm 88,4% vốn hóa trên 3 sàn). Cập nhật kết quả kinh doanh năm 2018 của ngành ngân hàng mặc dù có dấu hiệu giảm tốc nhưng vẫn tăng trưởng lợi nhuận 32%, cao thứ hai trong các nhóm ngành. Có 16/17 ngân hàng niêm yết công bố số liệu năm 2018 với tổng lợi nhuận 65.800 tỷ đồng, đạt 102,1% kế hoạch. Thế nhưng, trong quý IV/2018, có một số ngân hàng báo lỗ hoặc tăng trưởng âm như VietinBank (lỗ 687 tỷ đồng), Eximbank (lỗ 247 tỷ đồng), BIDV (giảm 36% so với cùng kỳ 2017), LPB (giảm 45%). Tổng lợi nhuận quý IV/2018 của các ngân hàng đạt 16.916 tỷ đồng, tăng 13% so cùng kỳ năm 2017.