Nhiều ngân hàng vừa giảm lãi suất và xu hướng này được dự báo còn tiếp tục. Ảnh: Đức Thanh

Nhiều ngân hàng vừa giảm lãi suất và xu hướng này được dự báo còn tiếp tục. Ảnh: Đức Thanh

Ngân hàng còn dư địa giảm lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể giảm thêm lãi suất điều hành, nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất trong bối cảnh dịch bệnh.

Dư địa giảm lãi suất

Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhu cầu thanh khoản không còn căng thẳng như trước Tết đã giúp lãi suất điều chỉnh giảm trở lại. Không chỉ với thị trường liên ngân hàng, mà ngay cả thị trường 1 (dân cư), lãi suất gửi tiết kiệm cũng giảm dần.

Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 2 tháng tại Vietcombank hiện còn 2,9%/năm; kỳ hạn 24 - 60 tháng còn 5,3%/năm, giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng 1/2021. Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021, các ngân hàng khác như Techcombank, VPBank, SCB, ACB, SHB… cũng điều chỉnh lãi suất ở các kỳ hạn giảm không dưới 0,5%/năm.

TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Đầu tư tại Dragon Capital nhận định, lạm phát hiện nay tại Việt Nam không phải là vấn đề đáng lo lắng như năm 2008 và 2011. Việt Nam đã theo đuổi chính sách lãi suất thực dương trong một giai đoạn rất dài. Kinh tế vĩ mô đã ổn định trong hơn 6 năm qua và hiện là lúc nên giảm bớt việc theo đuổi chính sách lãi suất thực dương.

Vì vậy, theo TS. Tuấn, dư địa giảm lãi suất vẫn còn, song còn phụ thuộc là loại lãi suất nào. Hiện tại, lãi suất thị trường 2 (liên ngân hàng) đã tiệm cận mức 0%, với thanh khoản hệ thống tốt và lãi suất trái phiếu Chính phủ đã xuống mức rất thấp, kỳ hạn 5 năm còn 1,25%/năm, nên dư địa để giảm tiếp lãi suất là không nhiều.

Còn đối với lãi suất thị trường 1 (lãi suất tiết kiệm dân cư), lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng chỉ còn 4 - 6%/năm, song còn dư địa giảm trong thời gian tới. “Duy trì lãi suất ở mặt bằng thấp với thanh khoản dồi dào sẽ giúp ngân hàng có thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay doanh nghiệp và người dân”, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, bài toán đặt ra với Việt Nam là lãi suất điều hành như thế nào cho phù hợp trong bối cảnh hiện nay, tức phải đảm bảo lợi ích của rất nhiều bên trong nền kinh tế, cả người gửi tiền, người vay tiền và việc điều hành vĩ mô, lạm phát. Nếu không, sẽ lại phải đối mặt với hệ lụy bong bóng lâu dài. Chính vậy, lãi suất thấp quá chưa chắc đã tốt.

Lãi vay chưa giảm tương ứng với lãi huy động

Lãi suất đầu ra được các ngân hàng giảm, nhưng giảm ít hơn so với lãi suất đầu vào. Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, lãi suất huy động đang ở gần mức thấp nhất trong lịch sử, nhưng lãi vay vẫn có thể giảm thêm do tác động của độ trễ. NHNN sẽ tiếp tục hối thúc các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí đi vay, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh kinh tế phục hồi.

Các nhận định cho rằng, lãi suất chưa thoát “đáy” khi Thống đốc NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng đặt ra yêu cầu với ngành năm 2021 là các ngân hàng thương mại phải xây dựng kế hoạch kinh doanh theo hướng giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với khoản vay cũ, khoản vay trung dài hạn… cho doanh nghiệp, người dân.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN cho biết, năm qua, một số ngân hàng tung gói tín dụng ưu đãi, nhưng thực chất chỉ là hô hào mạnh, còn triển khai lại rất mờ nhạt. Theo ông, hiện một số ngân hàng vẫn giữ nguyên lãi suất cũ với các khoản vay trung, dài hạn chưa đến kỳ trả nợ, khiến nhiều người dân phải vay với lãi cao. Chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay rất lớn khi lãi suất huy động bình quân chỉ 3-5%, nhưng có những khoản vay vẫn treo lãi suất 9-10%. Trong khi đó, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các nhà băng có nguồn vốn đầu vào giá rẻ, nên không có lý do gì, các ngân hàng cho vay với lãi suất cao.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho rằng, sở dĩ các ngân hàng đạt lãi cao năm qua do biên lãi ròng tăng cao nhờ chi phí đầu vào giảm mạnh, trong khi lãi suất cho vay có giảm, song không theo kịp lãi suất tiền gửi.

Trong năm nay, theo TS. Hiếu, cũng có thể xảy ra trường hợp tương tự khi mặt bằng lãi suất đầu vào đã giảm, nhưng đầu ra chưa thực sự giảm nhiều. Biên lãi ròng của các ngân hàng có chiều hướng cải thiện. Tuy nhiên, do nợ xấu của các ngân hàng tăng, vì các ngân hàng phải cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh bởi Covid-19, nên các ngân hàng nới biên độ lãi suất huy động và cho vay để tăng biên lãi ròng. Lợi nhuận thu về cao hơn, nhưng các nhà băng cũng phải dành để trích lập dự phòng.

Mặt khác, TS. Hiếu nhận định, lãi suất cho vay cũng khó giảm sâu hoặc nếu có giảm thì cũng khó giảm nhanh theo lãi suất huy động. Vả lại, nếu kiểm soát tốt được dịch bệnh, thì nhu cầu vay của khách hàng mới tăng trở lại. “Lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong quý I/2021, nhưng sau đó, diễn biến tùy thuộc vào tình hình của thị trường cũng như cầu vốn của khách hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói thêm.

Năm qua, lãi suất tiết kiệm đã giảm mạnh so với đầu năm sau 3 lần Ngân hàng Nhà nước ra quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm tới 1,5 - 2 điểm phần trăm. Mức trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng đã xuống 3,9%/năm. Với kỳ hạn 6 - 13 tháng, lãi suất cao nhất chỉ là 5-6%/năm.

Tin bài liên quan