Vietcombank (VCB) cho biết, Ngân hàng đã hoàn tất toàn bộ các khâu chuẩn bị, thậm chí đã có hồ sơ báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để chủ động áp dụng thành công các chuẩn mực Basel II sớm trước thời hạn hai năm.
Tuy nhiên, điểm còn thiếu vẫn là tăng vốn. Tương tự, đã khoảng bốn năm kể từ khi BIDV rục rịch thông tin bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài để tăng vốn, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai.
Thực tế, áp lực tăng vốn của nhóm 3 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối (Vietcombank, BIDV, VietinBank) ngày một cấp bách. Điểm chung tại 3 ngân hàng này hai năm qua và cho đến nay trong kế hoạch tăng vốn vẫn là phải thực hiện giải pháp tình thế, chấp nhận đi vay bằng trái phiếu dài hạn với lãi suất cao.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Chính phủ, NHNN đã bật đèn xanh với việc hút vốn ngoại của các nhà băng này. Cụ thể, VCB vừa được NHNN phê duyệt tăng vốn 10%. Theo đó, vốn điều lệ của Ngân hàng dự kiến tăng lên hơn 39.575 tỷ đồng sau đợt phát hành riêng lẻ tỷ lệ 10% cho nhà đầu tư nước ngoài đã được thông qua từ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT VCB cho biết, việc tăng vốn cho nhà đầu tư chiến lược thời gian qua gặp khó vì giá bán được yêu cầu không thấp hơn định giá và giá thị trường.
Ngoài ra, nhà đầu tư khi mua lô lớn phải hạn chế chuyển nhượng một năm. Tuy nhiên, với chủ trương đã được NHNN phê duyệt, việc hút thêm vốn để nâng cao năng lực tài chính sẽ được nhà băng này thúc đẩy trong năm nay.
Theo nhiều thông tin trên thị trường, GIC - quỹ đầu tư đến từ Singapore là đối tác đang quan tâm đến đợt phát hành tăng vốn của VCB.
Ngoài ra, cổ đông nước ngoài lớn nhất của VCB là Mizuho Bank Ltd cũng lên kế hoạch mua thêm cổ phần để giữ nguyên tỷ lệ sở hữu ở mức 15%.
Theo văn bản được NHNN ký, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký, NHNN yêu cầu VCB có trách nhiệm thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.
Sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật, VCB trình NHNN hồ sơ đề nghị sửa đổi mức vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động.
Tương tự, BIDV cần khẩn trương tăng vốn để đáp ứng các tiêu chí Basel II, và việc này phụ thuộc vào khả năng thực hiện chào bán công khai hoặc riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược.
Tại ngân hàng này, nhiều khả năng nhà đầu tư chiến lược là ngân hàng Hàn Quốc Keb Hana. Ngày 14/9 vừa qua, BIDV đã có thông báo về việc tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản trong tháng 10/2018. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, việc lấy ý kiến này nhiều khả năng liên quan đến việc chào bán công khai hoặc riêng lẻ cổ phiếu của BIDV cho các nhà đầu tư chiến lược tài chính.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, IFC đang tìm đối tác mua phần vốn góp 8% của mình tại ViettinBank, theo Bloomberg. Cụ thể, IFC đang sở hữu cổ phần VietinBank thông qua bản thân IFC (98 triệu cổ phiếu) và quỹ Đầu tư cấp vốn IFC L.P (gần 200,9 triệu cổ phiếu).
Tổng cộng, số lượng cổ phiếu mà tổ chức này nắm giữ là xấp xỉ 299 triệu cổ phiếu, tương đương 8,02% vốn. Trong cơ cấu cổ đông hiện tại, ngân hàng đến từ Nhật Bản The Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ là cổ đông ngoại sở hữu lượng cổ phần lớn nhất (19,73%) và là cổ đông lớn thứ hai của VietinBank. Vốn Nhà nước tại VietinBank hiện là 64,46%, chạm mức tối thiểu cho phép.
Theo đánh giá của giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài, việc bán thêm vốn của các ngân hàng quốc doanh sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại, nhất là khi các thương vụ tăng vốn tới đây của VCB, BIDV đều đã có những nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng đăng ký mua như Quỹ đầu tư GIC, ngân hàng Hàn Quốc Keb Hana.
Thế nhưng, liệu kế hoạch bán vốn cho đối tác ngoại của các ngân hàng nói trên có được thực hiện thành công vào cuối năm nay hay không vẫn là điều chưa thể khẳng định. Vì đây là nhóm ngân hàng do Nhà nước chi phối nên cần rất nhiều thời gian để phê duyệt.