Món ngon không dễ xơi
Tại cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: “Chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ lại khó khăn như bây giờ. Hiện nay, toàn hệ thống ngân hàng đang phải ‘chữa bệnh thừa tiền’, giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền”.
Câu chuyện ngân hàng thừa tiền được Phó Thống đốc đề cập khá nhiều trên các diễn đàn. Theo đó, chữa “bệnh” thừa tiền bằng… chính sách đã được triển khai trên cơ sở Thông tư 06/2023 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9/2023. Các ngân hàng hưởng ứng rất nhiệt tình và Vietcombank là ngân hàng đầu tiên triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi vay ưu đãi.
Cụ thể, Vietcombank áp dụng mức lãi suất cho vay chỉ từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu, hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu, hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu, sau đó sẽ điều chỉnh lãi vay theo tình hình thực tế.
BIDV là ngân hàng thứ 2 triển khai chính sách này. Theo đó, đối với khoản vay ngắn hạn, BIDV áp dụng lãi suất cho vay từ 6%/năm dành cho khách hàng đang vay vốn sản xuất - kinh doanh hoặc phục vụ nhu cầu đời sống có tài sản đảm bảo tại các ngân hàng khác có nhu cầu trả nợ trước hạn và tiếp tục thanh toán các chi phí còn lại.
Đối với khoản vay trung - dài hạn, BIDV áp dụng lãi suất cho vay từ 6,8%/năm. Khách hàng có thể được vay vốn với thời gian vay lên đến 30 năm (nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác) với số tiền cho vay tối đa 100% số tiền dư nợ gốc còn lại và phù hợp chi phí thanh toán tiếp theo phương án vay tại ngân hàng khác.
Còn thấp hơn thế, VietinBank áp dụng mức lãi vay ưu đãi từ 5,6%/năm áp dụng cho vay sản - xuất kinh doanh và từ 7,5%/năm áp dụng cho vay tiêu dùng. Khách hàng có thể được vay vốn với thời gian vay lên đến 35 năm (không vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác) với số tiền cho vay tối đa 100% số tiền dư nợ gốc còn lại và ân hạn nợ gốc lên tới 24 tháng.
Khối các ngân hàng thương mại tư nhân cũng không đứng ngoài cuộc, nhưng lãi suất cao hơn khối ngân hàng thương mại nhà nước.
Sự hào hứng khi Thông tư 06/2023 chính thức có hiệu lực đã nhường chỗ cho những quan ngại về tính khả thi của chính sách khi có nhiều điều kiện ràng buộc đi kèm. Thế nhưng, trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo cấp cao một ngân hàng thương mại có vốn nhà nước cho biết: “Thông tư 06/2023 sẽ hữu ích đối với những doanh nghiệp thực sự tốt. Lợi ích là tính toán được khi giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí”.
Cụ thể, vị này tính toán, thời điểm 6 tháng trước, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng vào khoảng 9-10%/năm, cộng thêm biên độ 3-4,5%/năm thì lãi suất cho vay thực tế dao động khoảng 14,5-15,5%/năm. Lãi phạt trả trước ước tính khoảng 3%/năm cộng mức lãi suất cho vay ưu đãi hiện cao nhất trong khối ngân hàng thương mại nhà nước chỉ từ 6,9%/năm, nghĩa là tổng lãi suất khách phải chịu khoảng 10%/năm.
“So với mức lãi vay cao trước đó, rõ ràng đây là một món hời”, vị này nói.
Đề cập đến những phức tạp trong việc triển khai các thủ tục cũng như đáp ứng các điều kiện đi kèm, vị lãnh đạo trên cho biết, các ngân hàng đều có thể xử lý bằng kỹ thuật. Nghiệp vụ cho vay không bảo đảm vẫn được các ngân hàng thực hiện bởi ngân hàng có niềm tin vào doanh nghiệp tốt, những khó khăn chỉ gây gián đoạn trong một thời gian ngắn.
“Để tránh những rủi ro về đạo đức hay lừa đảo, cho vay trả nợ ngân hàng khác sẽ được ngân hàng tập trung vào khách hàng cũ nhưng tốt, chứ không khai thác khách hàng mới. Hay nói cách khác, niềm tin của ngân hàng vào khách hàng được cho vay trả nợ ngân hàng khác là vấn đề mấu chốt”, vị này nhấn mạnh.
Niềm vui chắc đã tày gang?
Thực trạng nền kinh tế đang rất khó khăn, lợi nhuận các ngân hàng kể cả khi rất cao cũng sẽ bị bào mòn do phải trích lập dự phòng. An toàn hệ thống tài chính không còn là “câu chuyện cảnh giác”, mà là “hồi chuông báo động".
Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2023, ngân hàng này đã 4 lần giảm lãi vay. Riêng trong tháng 8/2023, lãi suất các khoản cho vay mới đã giảm 1%/năm so với tháng trước đó, song tín dụng tính tới ngày 31/8/2023 chỉ tăng 5,72%, cho dù hạn mức cả năm lên tới 14%. Ông Lâm nhấn mạnh, BIDV muốn đồng hành cùng doanh nghiệp nên rất mong doanh nghiệp sẽ hoạt động minh bạch, rõ ràng, thực hiện tốt nghĩa vụ để tạo niềm tin cho Ngân hàng.
“Hiện nay, tỷ lệ cho vay tín chấp cao, doanh nghiệp càng minh bạch thì ngân hàng càng có điều kiện đẩy mạnh tín dụng. Đồng thời, cũng mong doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi, không kinh doanh ngoài ngành để đảm bảo an toàn, hiệu quả”, ông Lâm nói.
Sự quan ngại còn đến từ góc nhìn khác, như nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế, ngân hàng cho vay để trả nợ sẽ đánh giá rất chặt chẽ các điều kiện của khách hàng, nhưng các ngân hàng đang cho vay lãi suất cao cũng sẽ chủ động tìm cách hạ lãi vay để giữ chân khách hàng hiện hữu trước khi mở rộng thêm khoản vay mới, khách hàng mới.
Đây là vấn đề của các ngân hàng nhỏ khi buộc phải giảm lãi suất, bởi uy tín hạn chế, khoản gửi từ Kho bạc Nhà nước không có, các dịch vụ thanh toán không nhiều nên chi phí đầu vào thường rất cao, thậm chí huy động đầu vào bằng đầu ra của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Theo đó, giai đoạn đầu, các ngân hàng nhỏ sẽ rất “căng” bởi mất dần khách hàng về các ngân hàng lớn, nhưng sau đó các ngân hàng lớn cũng trong tình trạng này vì không cho vay được lãi suất cao trong bối cảnh mặt bằng lãi suất bắt đầu giảm xuống.
“Với mặt bằng lãi suất cho vay mới được thiết lập ở mức thấp, ‘sức khoẻ’ tài chính của ngành ngân hàng sẽ giảm. Ví dụ, lợi nhuận ngành ngân hàng đang là 1 triệu tỷ đồng/năm, nhưng áp dụng chính sách này thì năm sau sẽ giảm xuống 700.000 tỷ đồng/năm, con số 300.000 tỷ đồng lợi nhuận mất đi là do cạnh tranh lãi suất”, vị lãnh đạo ngân hàng trên tính toán, đồng thời cho biết thêm, nhóm các ngân hàng lớn vốn vẫn đang “sống khoẻ” do quản trị tốt, lãi suất đầu vào thấp… nên cạnh tranh được với nhóm ngân hàng có lãi suất cho vay cao. Theo đó, ban đầu, ngân hàng lớn vẫn “sống bình thường”, thậm chí “sống tốt” và sóng gió đến ngay với những “ông nhà nghèo” khi bị “vợt” mất khách hàng tốt.
Tất nhiên, một vấn đề không mới lại đặt ra, các ngân hàng lợi nhuận cao quá trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn nên việc giảm lợi nhuận là sự chia sẻ vì lợi ích chung. Liên quan đến vấn đề này, vị lãnh đạo trên đồng ý quan điểm ngành ngân hàng cần “chia lửa”, nhưng thực tế hoạt động trên thị trường cho thấy chỉ một vài ngân hàng có lợi nhuận cao, trong khi khá nhiều ngân hàng lợi nhuận rất thấp.
“Thực tế, tổng lợi nhuận ngành ngân hàng Việt Nam so với quy mô vốn không cao. Thực trạng nền kinh tế đang rất khó khăn, lợi nhuận các ngân hàng kể cả khi rất cao cũng sẽ bị bào mòn do phải trích lập dự phòng. An toàn hệ thống tài chính không còn là ‘câu chuyện cảnh giác’, mà là ‘hồi chuông báo động’”, vị lãnh đạo trên nhấn mạnh.