Ngân hàng chạy đua hút vốn

Ngân hàng chạy đua hút vốn

(ĐTCK) Để thu hút được tiền nhàn rỗi, các nhà băng đang tung mạnh khuyến mãi, với kỳ vọng giữ nguồn tiền cũ và hút vốn mới.

Ngân hàng chạy đua hút vốn ảnh 1Do yếu tố mùa vụ, áp lực huy động tiền gửi luôn gia tăng ở thời điểm cuối năm

 

Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, để thu hút được nguồn tiền tiết kiệm, Ngân hàng luôn gia tăng các sản phẩm, dịch vụ nhằm gia tăng lợi ích cho khách hàng gửi tiền. Hiện tại, chỉ cần gửi tiết kiệm từ 5 triệu đồng hoặc 500 USD, kỳ hạn 4 tháng trở lên, khách hàng sẽ nhận được số lượng thẻ cào tương ứng để có cơ hội trúng ngay những phần quà giá trị tại HDBank. Với khách hàng DN, HDBank có nhiều sản phẩm tiền gửi thanh toán khác nhau, để khách hàng dễ dàng lựa chọn.

VietBank có sản phẩm tiết kiệm “3 trong 1”, với mức gửi từ 100 triệu đồng, kỳ hạn gửi 13 tháng, khách hàng có thể linh hoạt trong việc chọn kỳ lĩnh lãi, lãi suất 13%/năm.

Nhằm thu hút khách hàng cá nhân gửi tiền hoặc có nhu cầu vay vốn, ABBank vừa tung ra nhiều chương trình khuyến mại huy động và ưu đãi cho vay.

Ngoài các chương trình khuyến mại, hiện nhiều nhà băng còn huy động kỳ hạn ngắn lãi suất vượt trần 9%/năm. Cách để lách quy định trần lãi suất là cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn trên 1 năm, lãi suất 12 - 13%/năm, nhưng được linh hoạt rút vốn mà vẫn nhận lãi suất cao theo thời gian thực gửi, thay vì chỉ nhận được lãi suất không kỳ hạn như trước đây. Lãnh đạo một ngân hàng nhỏ cho rằng, với cơ chế cào bằng trần lãi suất hiện nay, lợi thế luôn thuộc về nhà băng lớn. Vì thế, áp lực huy động đối với ngân hàng nhỏ tăng lên, nhất là thời điểm cuối năm phải chạy đua hút vốn để đảm bảo thanh khoản, bởi nhu cầu rút tiền chi tiêu cuối năm rất lớn.

Tăng trưởng tiền gửi của khách hàng vào Sacombank trong 10 tháng qua đạt 121.528 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm, còn dư nợ tín dụng chỉ mới tăng trên 8%. Tuy nhiên, theo một phó tổng giám đốc ngân hàng này, việc phòng thủ thanh khoản trong thời điểm cuối năm là rất cần thiết. Vì lúc này, nhu cầu vốn của DN dự kiến sẽ tăng, nên ngân hàng cần đảm bảo thanh khoản tốt mới đáp ứng được.

Ông Lê Thành Trung cũng cho hay, dù tín dụng khó phát triển, song các ngân hàng vẫn phải đẩy mạnh huy động, bởi để quản trị một ngân hàng hiện đại, cần phải tăng cường công tác quản trị thanh khoản. Mặt khác, thời điểm cuối năm, nhu cầu chi tiêu của DN và người dân luôn tăng cao. Ở các DN, việc chi trả lương, thưởng cuối năm cũng khiến việc các khoản tiền để trên tài khoản giảm xuống. Để thu hút lượng tiền còn lại trên tài khoản của DN, HDBank đã xây dựng các sản phẩm tiền gửi thanh toán phù hợp với từng mục đích sử dụng khác nhau của các khách hàng.

Trong khi đó, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB nhận định, nếu xét trên tổng lượng tiền huy động với tổng dư nợ hiện nay thì dư nợ vẫn chiếm tỷ trọng cao. Nguyên nhân là thời gian trước đây các ngân hàng đẩy mạnh cho vay, trong khi nguồn vốn huy động không tăng tương xứng. Vì thế, đây là thời điểm các ngân hàng phải cân đối nguồn vốn. Bên cạnh đó, cũng có những ngân hàng muốn dành nguồn vốn dôi dư để đảm bảo thanh khoản tốt hơn trong thời gian tới. Ông Tuấn cho rằng, dù biết tăng trưởng tín dụng thấp sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì việc phòng thủ thanh khoản là yếu tố quan trọng hàng đầu với các tổ chức tín dụng.

Do yếu tố mùa vụ, áp lực huy động tiền gửi luôn gia tăng ở thời điểm cuối năm, bởi đây là thời điểm chi tiêu cao nhất của khách hàng gửi và vay vốn. Vì thế, việc thu hút nguồn tiền nhàn rỗi cuối năm là mục tiêu của tất cả các ngân hàng. Mặt khác, theo con số từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM, tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố trong tháng 8 và 9 có dấu hiệu sụt giảm. Do đó, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM, việc các ngân hàng tăng mạnh khuyến mãi huy động vốn cuối năm cũng là điều dễ hiểu. Trong giai đoạn khó khăn hiện tại, chỉ có chủ động được thanh khoản, các ngân hàng mới có thể tự tin đẩy vốn ra trong mùa cao điểm kinh doanh cuối năm, nhằm bù đắp phần tăng trưởng tín dụng rất chậm thời gian qua.