Tăng trưởng huy động thấp hơn cho vay
9 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động tiền gửi tại hầu hết các ngân hàng thấp hơn so với tăng trưởng dư nợ cho vay.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 9/2017, cho vay khách hàng của Sacombank đạt 223.000 tỷ đồng, tăng 12,6%; trong khi đó, tiền gửi của khách hàng đạt 312.000 tỷ đồng, tăng 7,2% so với đầu năm.
Tương tự, tại MB, cho vay khách hàng đạt 176.000 tỷ đồng, tăng 17%; tiền gửi của khách hàng đạt 211.000 tỷ đồng, tăng 8,7%.
Ở VietinBank, cho vay khách hàng đạt hơn 763.000 tỷ đồng, tăng 15,3%; tiền gửi khách hàng đạt hơn 725.000 tỷ đồng, tăng 10,7%.
Cho vay khách hàng của Vietcombank tính đến cuối tháng 9/2017 đạt 536.000 tỷ đồng, tăng 16%; tiền gửi của khách hàng đạt 688.000 tỷ đồng, tăng 16,6%.
Tại Techcombank, tính đến ngày 30/9/2017, cho vay khách hàng của Ngân hàng giảm 3,5% so với đầu năm, xuống 137.000 tỷ đồng; tiền gửi của khách hàng giảm 4%, còn 166.000 tỷ đồng.
Thông tin hoạt động ngành ngân hàng TP.HCM tính đến cuối tháng 9/2017 cho biết, huy động vốn trên địa bàn đạt 2 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm; trong khi đó, tín dụng tăng 12,41%, đạt 1.658 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27 - 28% cả nước.
Hiện tại, nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh khuyến mại để thu hút tiền gửi tiết kiệm, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn vay đang dần tăng cao, đồng thời gia tăng thanh khoản cho ngân hàng.
Chẳng hạn, VIB có 3.215 phần quà với tổng trị giá hơn 3,3 tỷ đồng dành tặng người gửi tiết kiệm trong chương trình “Tin tưởng - Sẻ chia - Hiện thực ước mơ”, triển khai đến ngày 31/12/2017.
VietinBank sẽ cộng thêm mức 0,3%/năm lãi suất cho khách hàng mới gửi tiết kiệm qua VietinBank iPay, từ nay đến hết ngày 26/1/2018.
BIDV dành hơn 3 tỷ đồng ưu đãi khách gửi tiết kiệm, tùy vào kỳ hạn và số tiền gửi mà khách hàng sẽ nhận quà khuyến mại từ 50.000 - 200.000 đồng.
Lưu ý khi nhận khuyến mại
Tình trạng khuyến mại thu hút tiền gửi của các ngân hàng không chỉ “nóng” lên trong thời gian gần đây, mà đã diễn ra gay gắt từ trước đó. Khi triển khai chương trình khuyến mại, nhiều ngân hàng quy định, khách hàng không được rút vốn trước hạn. Tuy nhiên, một số ngân hàng không ghi điều khoản “không được rút vốn trước hạn” trên sổ tiết kiệm, khiến người gửi tiền gặp khó khăn khi có nhu cầu sử dụng vốn.
Mới đây, một khách hàng của VietBank phản ánh, khi gửi tiết kiệm, nhân viên Ngân hàng mời tham gia chương trình khuyến mại, nhưng không thông báo về quy định không được rút vốn trước hạn, trên sổ tiết kiệm cũng không ghi quy định này.
Đến khi có nhu cầu vốn, khách hàng trên đến VietBank đề nghị chuyển kỳ hạn tiền gửi 6 tháng thành kỳ hạn 1 tháng, nhưng không được chấp thuận. Mang bức xúc trên phản ánh với đại diện của VietBank, khách hàng nhận được câu trả lời rằng: “Nếu cần tiền thì chỉ có cách vay cầm cố chính sổ tiết kiệm của mình với lãi suất cộng thêm khoảng 3%/năm”.
Giữa năm 2017, nhiều ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi (CCTG) với lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm thông thường 0,5 - 1%/năm, nhằm thu hút tiền nhàn rỗi. Khách hàng tham gia mua CCTG đều phải cam kết không rút vốn trước hạn. Khi có nhu cầu về vốn mà CCTG chưa đến hạn thanh toán, khách hàng có thể cầm cố giấy tờ có giá này để vay vốn; tất nhiên, lãi suất sẽ cao hơn.
Do đó, mặc dù lãi suất gửi tiền khi khách hàng tham gia các chương trình khuyến mại, dự thưởng, hay mua CCTG cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm thông thường có cùng kỳ hạn, nhưng khách hàng cần cân nhắc trước khi tham gia. Đối với khách hàng mua CCTG, nên nắm rõ mức lãi suất cho vay nếu ngân hàng quy định chỉ có thể rút vốn bằng cách cầm cố giấy tờ có giá để vay lại tiền, hoặc mức lãi suất thanh toán trước hạn nếu được phép thanh toán trước.