Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, việc đầu tư này khá tốn kém nhưng khó kỳ vọng khấu hao và có khả năng sinh lời trong thời gian ngắn.
Chiến lược đẩy mạnh phát triển ngân hàng bán lẻ phải đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng. Vì thế, yêu cầu trước hết là các ngân hàng phải có sự đầu tư về công nghệ, mang lại những tiện ích tốt nhất trong quá trình phát triển dịch vụ.
Cụ thể, trước đây khi muốn mua hàng hóa, khách hàng phải đến các cửa hàng, trung tâm thương mại hoặc muốn giao dịch với ngân hàng phải đến tận nơi, nhưng hiện nay, khách hàng đã có thể giao dịch qua kênh online.
Vấn đề còn lại là các NHTM có đáp ứng được nhu cầu đó của khách hàng hay không. Bởi vậy, trong thời gian gần đây, các NHTM tiếp tục xác định việc đầu tư công nghệ và bảo mật trong quá trình giao dịch online là ưu tiên số một trong việc thu hút khách hàng. Tuy nhiên, các mục tiêu này khó có thể sớm đem lại lợi nhuận.
Chẳng hạn với dịch vụ thẻ, các ngân hàng đã đầu tư nhiều vào lĩnh vực này và đều hiểu rằng, việc đầu tư vào hệ thống thẻ là hết sức tốn kém cả về chi phí lẫn thời gian. Đơn cử như OCB đã có sự đầu tư công nghệ và hệ thống thẻ kể từ năm 2010, cho đến nay mới bắt đầu qua giai đoạn khấu hao máy móc để gia tăng nguồn dịch vụ, đóng góp vào lợi nhuận cho Ngân hàng.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, OCB không kỳ vọng việc đầu tư vào thẻ sẽ sớm mang lại lợi nhuận cho Ngân hàng, bởi việc đầu tư vào thẻ mang tính chiến lược và thời gian. Mặt khác, để đạt được hiệu quả cần phải có sự thiết lập và đầu tư một cách bài bản trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Thêm vào đó, để khắc phục được khó khăn trong quá trình đầu tư, đòi hỏi bản thân Ngân hàng cũng phải tạo ra những gói sản phẩm, dịch vụ giúp gia tăng thêm nguồn thu trong quá trình hoạt động.
Theo Nghiên cứu của Juniper Networks, số lượng người sử dụng dịch vụ ngân hàng di động trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 800 triệu lên 1,75 tỷ người năm 2020. Đây cũng là lý do vì sao các ngân hàng đẩy mạnh đầu tư công nghệ, nâng cấp dịch vụ ngân hàng điện tử nhằm phát triển chiến lược ngân hàng bán lẻ.
DongA Bank là một trong những ngân hàng sở hữu lượng tài khoản thẻ của khách hàng cá nhân tương đối lớn trên thị trường hiện nay, với 8 triệu thẻ.
Mới đây, nhà băng này còn đưa ra mô hình giao dịch Auto Banking (ngân hàng 100% tự động, hoạt động 24/7 và có đội ngũ bảo vệ riêng; với các thiết bị tài chính thông minh như ATM, màn hình cảm ứng, điện thoại…), cho phép khách hàng thực hiện hầu hết giao dịch ngân hàng như: nạp tiền báo có ngay, rút tiền hạn mức lớn, chuyển khoản liên ngân hàng, đăng ký mở thẻ và gửi tiết kiệm tích lũy, thanh toán hóa đơn, thanh toán nợ vay…
Tất cả các chức năng của mô hình này như một phòng giao dịch bình thường mà khách hàng là người chủ động thực hiện, không phải phụ thuộc vào nhân viên ngân hàng.
Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, quyết định triển khai Auto Banking, một kênh giao dịch mới tại thị trường Việt Nam, đồng nghĩa với việc DongA Bank xác định sẽ cam kết đầu tư về chi phí, nguồn nhân lực, thời gian, nhưng khó có thể kỳ vọng đem lại lợi nhuận sớm. Chỉ gần 2 tháng sau khi đưa vào hoạt động, hiện đã có 42 buồng Auto Banking trên toàn quốc. Theo ông Bình, đến cuối năm 2015, Ngân hàng sẽ có ít nhất 150 buồng.
Một ngân hàng khác là Nam A Bank cho biết, nhà băng này cũng đang chú trọng đầu tư công nghệ để đa dạng hơn nữa sản phẩm, dịch vụ, phát triển các dòng sản phẩm, ngân hàng điện tử...
Phát triển dịch vụ bán lẻ là xu thế mới và tất yếu của ngân hàng hiện nay. Dịch vụ tài chính - ngân hàng bán lẻ trở thành mảnh đất màu mỡ, chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt của các ngân hàng trong và ngoài nước. Trong cuộc đua này, ngân hàng nào chứng tỏ được uy tín thương hiệu, mạng lưới giao dịch, công nghệ bảo mật hiện đại… sẽ có lợi thế.
Việc tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam chỉ chiếm từ 20 – 30% cho thấy, ngân hàng bán lẻ còn nhiều tiềm năng và xu hướng tiếp theo vẫn là mở rộng mạng lưới hoạt động để tiếp cận gần hơn với người dân. Tuy nhiên, TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay và trước tình hình khó khăn chung của ngành ngân hàng, việc mở rộng mạng lưới luôn đi kèm với bài toán chi phí.
Vì thế, các ngân hàng phải làm sao để mạng lưới ấy vẫn được mở rộng nhưng chi phí hoạt động được tiết giảm và tối ưu hóa. Mô hình Auto-Bank (ngân hàng tự động) được xem là câu trả lời mang tính xu hướng của ngành ngân hàng. Bởi nó giải quyết yêu cầu của đề bài đặt ra dựa trên nền tảng công nghệ.