Các ngân hàng đang rục rịch tổ chức đại hội cổ đông và đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2023 với xu hướng tăng trưởng thấp so với năm 2022. Bà có nhận định gì?
Hầu hết các ngân hàng thương mại đều thận trọng hơn trong việc đặt ra kế hoạch kinh doanh cho năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn như xuất khẩu giảm tốc, hoạt động sản xuất chậm lại kéo theo xu hướng tiêu dùng nội địa thắt chặt hơn. Đối với ngành ngân hàng, tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại đáng kể khi thị trường bất động sản đang trầm lắng, còn các doanh nghiệp vẫn cẩn trọng đối với việc mở rộng sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh lãi suất cao.
Rủi ro nợ xấu sẽ gia tăng, đặc biệt trong khu vực bất động sản. Tôi cho rằng, biên lợi nhuận ròng (NIM) của đa số các ngân hàng sẽ thu hẹp khi phải giảm lãi suất cho vay theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, trong khi lãi suất đầu vào chưa hạ nhiệt tương ứng. Bên cạnh đó, việc thắt chặt các quy định về hoạt động bán bảo hiểm (bancassurance) cũng làm cho mảng này không còn là “con gà đẻ trứng vàng” cho các ngân hàng.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT |
Vì vậy, nếu như mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 của các ngân hàng trung bình đạt 30% thì năm nay các ngân hàng hầu như chỉ đặt kế hoạch tăng trưởng 11 - 15%. Chẳng hạn, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 12%. VIB, một ngân hàng có lợi thế trong mảng bảo hiểm kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận 15%. ACB, PG Bank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận lần lượt là 17% và 5%.
Bên cạnh VPBank vừa ký kết thỏa thuận phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho SMBC, dự kiến một số ngân hàng sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay. Liệu đây có là yếu tố giúp kết quả kinh doanh khả quan hơn trong thời gian tới?
Việc hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu sẽ giúp các ngân hàng phát triển hơn về tiềm năng tăng trưởng dài hạn (tiếp cận được nguồn vốn rẻ, cải thiện quản trị rủi ro…) và điều này có thể phản ánh lên kết quả kinh doanh của ngân hàng trong dài hạn.
Theo bà, thanh khoản có phải là vấn đề của hệ thống ngân hàng, động lực thúc đẩy các ngân hàng bán cổ phiếu cho nhà đầu tư ngoại?
Các ngân hàng có bộ đệm vốn khá cao, nhưng rủi ro nợ xấu dự kiến sẽ gia tăng, đặc biệt trong khu vực bất động sản.
Tôi cho rằng, các vấn đề về thanh khoản hệ thống là sự kiện mang tính thời điểm. Hiện thanh khoản trên hệ thống đã dồi dào trở lại do cầu tín dụng giai đoạn đầu năm còn kém và sự hỗ trợ thanh khoản từ phía Ngân hàng Nhà nước qua kênh thị trường mở. Lãi suất liên ngân hàng đã giảm rất mạnh, chỉ còn 1,5 - 2%/năm, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 2 tháng đầu năm 2023 là 5 - 6%/năm và đỉnh quý III/2022 là 9%/năm. Vì vậy, thiếu hụt thanh khoản không phải là lý do chính để các ngân hàng bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, mà là vì mục tiêu phát triển dài hạn hơn.
Đơn cử như VPBank, ngoài việc có thêm nguồn vốn huy động từ nước ngoài, việc thiết lập mối quan hệ với SMBC sẽ giúp Ngân hàng cải thiện các chỉ tiêu quản trị ngân hàng cũng như tăng cường hợp tác để phát triển các sản phẩm tài chính tiêu dùng, bảo hiểm…
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại Việt Nam vừa mới hoàn thành Basel II và bắt đầu bước vào ngưỡng cửa Basel III, với yêu cầu cao hơn về bộ đệm vốn. Nhu cầu tăng vốn trong tương lai của các ngân hàng vẫn còn rất lớn mà nguồn lực trong nước chưa thể đáp ứng được hết. Theo đó, việc hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẽ là xu hướng trong 2 - 3 năm tới.
Nhu cầu tăng vốn trong tương lai của các ngân hàng vẫn còn rất lớn |
Nợ xấu quay trở lại liệu có là vấn đề nổi cộm của hệ thống ngân hàng của mùa đại hội cổ đông 2023?
Nợ xấu cũng như chất lượng tài sản sẽ là điểm đáng lưu ý khi nói về ngành ngân hàng trong năm 2023, bởi các doanh nghiệp bất động sản (chiếm 21% tín dụng hệ thống) đang đứng trước rủi ro mất khả năng thanh toán trong bối cảnh lãi suất cao và các kênh huy động vốn chính đều bị hạn chế (điển hình là trái phiếu doanh nghiệp).
Hiện tại đã có một số chính sách và nghị định được công bố/sửa đổi nhằm hỗ trợ thanh khoản cho ngành bất động sản trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cần có thời gian để thích ứng với những thay đổi mới, cũng như khôi phục lại niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Kỳ vọng sẽ có thêm các quyết sách quyết liệt hơn nhằm tháo gỡ những vướng mắc cho thị trường bất động sản, từ đó áp lực nợ xấu lên hệ thống ngân hàng cũng được giải quyết phần nào.
Nhìn vào mặt tích cực, tôi cho rằng, các ngân hàng đều đang có bộ đệm dự phòng rất tốt để có thể vượt qua rủi ro nợ xấu có thể xảy ra (tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro trên nợ xấu toàn ngành năm 2022 là hơn 130%, trong khi bình quân giai đoạn 2016 - 2019 khoảng 70 - 80%).
Sau nhiều năm chờ đợi, cổ đông một số ngân hàng năm nay sẽ nhận được cổ tức bằng tiền mặt. Giá cổ phiếu các ngân hàng được cho rằng đang bị định giá rẻ. Theo bà, nhận cổ tức bằng tiền mặt hay bằng cổ phiếu sẽ có lợi ở thời điểm này?
Nhờ bộ đệm vốn khá cao và nhu cầu tín dụng năm nay dự kiến không tăng mạnh, nên có thể đây là những lý do mà một số ngân hàng quyết định sẽ chia cổ tức bằng tiền trong năm nay. Đây cũng là điều mà các nhà đầu tư mong đợi sau nhiều năm không được nhận cổ tức tiền mặt từ ngân hàng. Tuy nhiên, như tôi đã đề cập, các ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn cần gia cố bộ đệm vốn để đáp ứng các tiêu chí khi thực hiện Basel III, nên việc chia cổ tức bằng tiền dự kiến chỉ diễn ra ở một số ngân hàng có chỉ số an toàn vốn (CAR) cao.
Thị trường đã phản ánh phần lớn các rủi ro về ngành ngân hàng, đặc biệt là rủi ro liên quan đến chất lượng tài sản, thông qua việc giá cổ phiếu ngân hàng có mức chiết khấu rất mạnh trong thời gian vừa qua, trong đó có một số cổ phiếu đang giao dịch dưới giá trị sổ sách (book value). Với định giá thấp hiện tại (P/B toàn ngành ở mức 1,1 lần cho năm 2023), thị trường đã mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn cho cổ phiếu ngân hàng, nhưng sẽ phù hợp hơn với các nhà đầu tư dài hạn, khi triển vọng trong ngắn hạn vẫn đang còn nhiều biến động.