Tăng trưởng tín dụng tích cực trong 9 tháng đầu năm đã giúp các ngân hàng sớm hoàn thành mục tiêu lợi nhuận 2022

Tăng trưởng tín dụng tích cực trong 9 tháng đầu năm đã giúp các ngân hàng sớm hoàn thành mục tiêu lợi nhuận 2022

Ngân hàng cán đích lợi nhuận sớm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng về cơ bản có thể “chốt sổ” kế hoạch kinh doanh năm 2022, nhưng cũng phải chuẩn bị cho một năm 2023 với nhiều biến số khó lường.

“Nhiều ngân hàng đã đạt kế hoạch kinh doanh”

Trước câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán về việc lãi suất huy động tăng sẽ tác động thế nào đến lợi nhuận ngân hàng trong 3 tháng cuối năm, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết: “Với mục tiêu lợi nhuận năm 2022 được đại hội cổ đông thông qua, chúng tôi ước tính đã đạt được trong 9 tháng đầu năm. Do đó, nếu tình hình khó khăn quá trong những tháng cuối năm 2022, khiến hoạt động chững lại hay cầm chừng cũng không ảnh hưởng đến kế hoạch cả năm”.

Cũng theo vị tổng giám đốc nói trên, không riêng ngân hàng của ông mà nhiều ngân hàng đã cán đích kế hoạch lợi nhuận cả năm ngay khi hết quý III. Room tín dụng của toàn ngành ngân hàng trong năm nay là 14%, nhưng tính đến cuối tháng 9, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trên 11% so với cuối năm 2021, cho thấy tốc độ vay vốn rất mạnh trong giai đoạn này.

“Nguồn thu của hệ thống ngân hàng chủ yếu đến từ tín dụng, nên với tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh như vừa qua, không khó để lý giải vì sao nhiều ngân hàng đạt kế hoạch kinh doanh khi mới kết thúc quý III”, ông nói.

Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, trước kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đạt 18% trong năm 2022, lợi nhuận ròng của ngân hàng này dự báo tăng trưởng 21% so với năm 2021. Trong khi đó, mức tăng trưởng lợi nhuận của VietinBank dự phóng đạt 16%.

Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, MBB được dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng đạt 37% so với năm 2021; Techcombank được dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng 25% so với năm 2021 nhờ NIM ổn định và tỷ lệ chi phí tín dụng giảm mạnh.

Năm 2022, VPBank được kỳ vọng lợi nhuận ròng sẽ tăng trưởng 43% so với cùng kỳ, trong đó không bao gồm khoản phí độc quyền từ bancassurance; còn mức tăng trưởng lợi nhuận ròng của ACB được dự báo ở mức 34% nhờ tỷ lệ chi phí tín dụng thấp, mặc dù tăng trưởng thu nhập hoạt động không quá nổi bật. VIB được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng là 21% và TPBank là 22%.

Tại LienVietPostBank, ngay từ cuối quý II/2022, nhờ khoản thu nhập bất thường từ hoạt động kinh doanh cổ phiếu và kiểm soát chi phí hiệu quả trong nửa đầu năm, kỳ vọng lợi nhuận ròng của ngân hàng này đạt mức tăng trưởng 49% trong năm nay.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục hồi rất mạnh, dự báo đạt mức 7,2% trong năm 2022 nhưng vẫn có một số quan ngại. Ví dụ, với tỷ lệ thương mại 200% GDP, là nền kinh tế mở, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được thúc đẩy bởi tiêu dùng trong nước và đầu tư, đồng thời được thúc đẩy đáng kể bởi nhu cầu trên toàn cầu.

“Theo đó, Việt Nam sẽ chịu tác động của quá trình giảm tốc trên toàn cầu”, bà Carolyn Turk nói.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp của Việt Nam hiện đang đứng trước những khó khăn rất lớn như giá đầu vào tăng, giá đầu ra có xu hướng giảm, nhất là hàng xuất khẩu do nhu cầu yếu ở các nước là đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc. EU. Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp đang bắt đầu đầu tư vào sản xuất - kinh doanh từ đầu năm 2022 đến nay, vì vậy, nhu cầu về vốn cố định và lưu động rất lớn. Nhưng, để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô buộc Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ.

Thận trọng trong ngắn hạn

Năm 2022, VPBank được kỳ vọng lợi nhuận ròng sẽ tăng trưởng 43% so với cùng kỳ, trong đó không bao gồm khoản phí độc quyền từ bancassurance.

Diễn biến trên thị trường cho thấy, lãi suất tiền gửi về mức thấp nhất lịch sử kể từ năm 2020 đã tạo điều kiện cho chi phí vốn của các ngân hàng giảm mạnh trong giai đoạn đó.

Tuy nhiên, điều này sẽ không còn duy trì kể từ nửa cuối năm 2022 trở đi do lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh liên tục. Nguyên nhân chủ yếu do Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh hút ròng thông qua bán tín phiếu và ngoại tệ trong tháng 8.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước muốn giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì lộ trình tăng lãi suất điều hành và nhu cầu huy động vốn tăng sau khi hạn mức tín dụng mới được ban hành.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, lãi suất huy động sẽ tăng nhanh trong những tháng cuối năm 2022 do nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng tăng lên trước hạn mức tín dụng mới và quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng - huy động vẫn đang có khoảng cách lớn.

Cung tiền M2 đã cải thiện xấp xỉ 4% từ đầu năm đến nay và 10% so với cùng kỳ từ thời điểm cuối quý II/2022 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng hệ thống, dẫn đến chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng - huy động do lãi suất huy động kém hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác. Điều này sẽ gây áp lực lên thanh khoản của hầu hết các ngân hàng trong nửa cuối năm 2022

“Các ngân hàng cần phải tăng lãi suất huy động để giảm bớt áp lực về thanh khoản trong bối cảnh Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất hơn nữa vào cuối năm 2022. Trong khi đó, đồng USD tăng giá mạnh gây áp lực lên tỷ giá và lãi suất”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm.

Điểm đáng chú ý là chất lượng tài sản của các ngân hàng đã phần nào giảm sút do hệ quả của đại dịch Covid-19. Tỷ lệ nợ xấu trung bình tăng lên 1,34% vào cuối quý II/2022 so với mức 1,28% vào cuối năm 2021. Trong khi đó, hầu hết tỷ lệ bao nợ xấu (LLR) của các ngân hàng đều giảm so với mức vào cuối năm 2021, ngoại trừ Vietcombank. Mặc dù vấn đề này được nhận định sẽ không đáng lo vì chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ để đối phó với rủi ro này nhưng quan ngại vẫn là hiện hữu.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích VNDirect cho biết khá thận trọng với triển vọng ngắn hạn đối với các tổ chức tín dụng do những lo ngại về chi phí vốn tăng và tăng trưởng tín dụng hạn chế. Tuy nhiên, về dài hạn, các ngân hàng trong danh mục của VNDirect vẫn có thể tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ ở mức 31%/15% trong giai đoạn 2022 - 2023 do được hỗ trợ bởi chất lượng tài sản vững chắc, thu nhập từ phí cải thiện và tỷ lệ chi phí tín dụng giảm mạnh.

Theo bà Hiền, đợt điều chỉnh gần đây của thị trường chứng khoán đã đưa định giá ngành ngân hàng xuống mức hấp dẫn, với 1,2 lần P/B 2022, thấp hơn 40% so với mức trung bình 3 năm là 2,0 lần. Những lo ngại của thị trường về lạm phát và nợ xấu gia tăng đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư đối với triển vọng ngành ngân hàng kể từ đầu năm. Hơn nữa, tâm lý thị trường đối với nhóm ngân hàng còn bị ảnh hưởng hơn khi thị trường vốn bắt đầu chịu sự giám sát chặt chẽ hơn, bất chấp mục đích để cải thiện tính minh bạch và bền vững của thị trường trong dài hạn.

“Tôi tin rằng các ngân hàng sẽ có đủ khả năng để vượt qua khó khăn này nhờ chất lượng tài sản vững chắc và khả năng kiểm soát tốt đối với các mảng cho vay có rủi ro cao”, bà Hiền nhận định.

Tin bài liên quan