Ngân hàng “bày kế” cho SME tiếp cận nguồn vốn

Ngân hàng “bày kế” cho SME tiếp cận nguồn vốn

(ĐTCK) Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) muốn mở rộng kinh doanh nhưng không có đủ vốn, trong khi đó, các ngân hàng vẫn thận trọng trong việc “mở hầu bao” cho doanh nghiệp nhóm này. Các SME cần làm gì để ngân hàng tin tưởng cho vay?

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 67.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 860.200 tỷ đồng, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 32,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 6 tháng đầu năm nay là 21.100 doanh nghiệp, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 21.800.

Các chuyên gia kinh tế phân tích, những SME “tồn tại” được 2 năm kể từ khi thành lập sẽ có cơ hội phát triển tiếp, còn nếu không sẽ “chết yểu”, nhất là các SME khởi nghiệp. Do vậy, không quá khó hiểu khi đa số ngân hàng e ngại cho nhóm doanh nghiệp này vay vốn.

Một lãnh đạo cao cấp Vietcombank cho biết, để đáp ứng các tiêu chuẩn quản trị ngày càng cao theo thông lệ quốc tế, Ngân hàng đưa ra nhiều điều kiện đối với khách hàng vay vốn, trong đó, những điều kiện mang tính chuẩn mực được đưa ra dựa trên cơ sở quy định của pháp luật và mọi doanh nghiệp vay vốn cần tuân thủ. Với các SME, khi mới bắt đầu tham gia kinh doanh thì hệ thống kế toán tài chính chưa được cập nhật thường xuyên, tính minh bạch của thông tin chưa cao nên thường khó đáp ứng được các điều kiện này.

Ðồng quan điểm trên, đại diện LienVietPostBank cho rằng, đó là thực trạng hệ thống báo cáo tài chính của các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt doanh nghiệp siêu nhỏ chưa chuẩn chỉnh, chưa đầy đủ thông tin, hoặc thông tin chưa chính xác nên gây khó khăn cho phía ngân hàng khi thực hiện thẩm định thông tin khách hàng.

Ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBank chia sẻ, nhóm khách hàng SME chiếm tỷ trọng khá thấp trong cơ sở khách hàng của ABBank, ở mức khoảng 19%.

Dẫu vậy, SME chiếm đa số trong tổng số doanh nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nên các ngân hàng đều chủ động đưa ra nhiều giải pháp để giúp các doanh nghiệp này tiếp cận nguồn vốn, đồng thời khuyến nghị các yếu tố cần đáp ứng.

Ðại diện Vietcombank cho hay, một trong những điều kiện đầu tiên mà Ngân hàng đặc biệt quan tâm khi thẩm định bộ hồ sơ vay chính là tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh của khách hàng. Doanh nghiệp có bộ máy kinh doanh được tổ chức quản lý bài bản sẽ giúp Ngân hàng dễ dàng ra quyết định cho vay hơn. Chính vì vậy, các SME cần áp dụng các hệ thống quản trị nội bộ để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao về điều kiện cho vay.

Ông Quách Hùng Hiệp, Phó tổng giám đốc BIDV nói: “Các doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng cao năng lực hoạt động, quản trị điều hành, tài chính, tự nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng các điều kiện vay vốn từ ngân hàng”.

Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, bà Nguyễn Lan Hương, Phó giám đốc khối ngân hàng cá nhân, TPBank nhận xét, có những SME lập báo cáo tài chính chưa chuẩn, chưa chuyên nghiệp. Thậm chí, có những đối tượng khách hàng làm báo cáo tài chính sơ sài, giả mạo số liệu…, đây là một trong những rủi ro mà các ngân hàng thường gặp.

Hiện trên thị trường có nhiều công ty công nghệ cung cấp các dịch vụ kế toán cho phép kết nối với ngân hàng. Các SME nên tận dụng các giải pháp này, giúp nâng cao hiệu quả về mặt tài chính, đồng thời tạo sự minh bạch và lòng tin với ngân hàng. 

Khi đó, với các tiêu chí đánh giá khách hàng đã được lọc sẵn như độ lành mạnh của tình hình tài chính, ngành nghề dịch vụ doanh nghiệp đang vận hành, hoạt động sản xuất - kinh doanh thực tế…, ngân hàng có thể lựa chọn đúng đối tượng khách hàng cũng như mang đến giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho các SME.  

Tin bài liên quan