Hạ lãi suất vì đã “đủ điều kiện”
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, bắt đầu từ ngày 26/9, một số tổ chức tín dụng lớn, trong đó có các ngân hàng thương mại nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn dưới 1 năm với mức giảm từ 0,3 - 0,5%/năm. Dẫn đầu là BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank.
Cụ thể, theo biểu lãi suất mới công bố của VietinBank, có hiệu lực từ ngày 26/9, lãi suất huy động với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng là 0,5%, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng là 4,3%/năm, kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 5 tháng ở mức 4,8%/năm, kỳ hạn từ 5 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng ở mức 5,3%/năm, và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%/năm. Các ngân hàng khác như BIDV, Vietcombank, Agribank cũng điều chỉnh với mức lãi suất tương tự. Mức lãi suất này đang thấp hơn từ 0,2 - 0,7% so với khối ngân hàng thương mại cổ phần.
Thời gian qua, nhiều ngân hàng cho biết dư thừa vốn nhưng không dám hạ lãi suất vì sợ mất khách. Vì vậy, việc ngân hàng lớn tiên phong hạ lãi suất đầu vào, nhiều khả năng sẽ kéo theo làn sóng hạ lãi suất thời gian tới, tuy mức độ giảm không lớn. Đây là tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp, khi mùa cao điểm sử dụng vốn cuối năm đang tới. Trước đó, nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng khi một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ đã tăng lãi suất huy động.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng thương mại khẳng định, việc 4 ngân hàng thương mại quốc doanh hạ lãi suất không phải do “bị ép”, mà chủ yếu là do hiện nay đã có đủ điều kiện giảm lãi suất. Trước hết là thanh khoản hệ thống dồi dào, biểu hiện là lãi suất liên ngân hàng và lãi suất của kênh tín phiếu kỳ hạn 14 ngày đang thấp kỷ lục. Trong khi đó, “khách hàng” lớn nhất của hệ thống ngân hàng là Chính phủ gần như hoàn tất lượng lượng huy động trái phiếu của cả năm. Chưa kể, tăng trưởng tín dụng đang có dấu hiệu chững lại và lạm phát cũng không có dấu hiệu đột biến. Tất cả những yếu tố này đang hỗ trợ tích cực cho việc giảm lãi suất trên thị trường.
Ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank cho biết thêm, từ đầu năm 2016 đến nay, ngân hàng luôn thừa vốn, số dư bình quân khoảng 25.000 tỷ đồng. Ngay cả những thời điểm giảm lãi suất huy động, tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng.
Động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các ngân hàng cho thấy sự quyết liệt của NHNN trong việc hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong cuộc họp với các tổ chức tín dụng được tổ chức giữa tháng 9/2016, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất và yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm các chi phí hoạt động, cân đối nguồn vốn, từ đó phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay.
Ngân hàng vẫn phải căn cơ
Điều dễ nhận thấy là, đợt giảm lãi suất huy động diễn ra đầu tuần này chủ yếu tập trung vào các kỳ hạn ngắn. Nguyên nhân chính, theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB, là do vốn ngắn hạn đang dư thừa. Ngoài ra, NHNN cũng đang khuyến khích các ngân hàng tăng cho vay vốn ngắn hạn, giảm cho vay trung, dài hạn (nhất là cho vay dài hạn trong lĩnh vực bất động sản, giao thông…). Chính vì cho vay trung, dài hạn bị hạn chế, ngân hàng dồn sức cho vay ngắn hạn nên lãi suất cũng giảm theo.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) bình quân của hệ thống ở mức hơn 80%, tuy tốt hơn so với trước đây (LDR lên tới trên 100%), song không phải là quá dư giả. Tuy nhiên, cơ cấu huy động vốn lại tập trung ở kỳ hạn ngắn. Do đó, động thái giảm lãi suất lần này của các ngân hàng một phần nhằm giảm mặt bằng lãi suất cho vay, vừa để cơ cấu lại kỳ hạn.
Thời gian qua, một lượng lớn vốn ngắn hạn đã được các ngân hàng lấy để cho vay dài hạn, gây rủi ro thanh khoản. Chính vì vậy, NHNN đã có chấn chỉnh và cảnh báo. Với xu hướng này, lãi suất cho vay trung, dài hạn thời gian tới cũng khó giảm thêm, nhất là với giao thông, bất động sản. Riêng lãi suất cho vay ngắn hạn vẫn có thể giảm thêm nữa.
Mặc dù lãi suất huy động đã giảm nhẹ, song nhiều ngân hàng thương mại thừa nhận, lãi suất cho vay trước mắt chỉ có thể giảm đối với các lĩnh vực ưu tiên, các doanh nghiệp tốt, chứ chưa thể giảm đại trà.
Còn để mặt bằng lãi suất cho vay toàn thị trường giảm sâu thêm, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cần có thêm nhiều yếu tố như: lạm phát giảm, đẩy nhanh xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém để không tái diễn cạnh tranh lãi suất…
Trên thực tế, hiện nay chênh lệch lãi suất cho vay/huy động mà các ngân hàng duy trì đang ở mức khá thấp. Vì vậy, để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, ngân hàng cũng phải tính toán căn cơ. Do chính ngân hàng hiện cũng phải duy trì mức lợi nhuận hợp lý để có nguồn lực xử lý nợ xấu, phục hồi sức khỏe của mình.