Ngẫm về dĩ vãng và tương lai xa

Ngẫm về dĩ vãng và tương lai xa

(ĐTCK) Sau những ngày đông u ám, lạnh lẽo sắt se, trời ấm dần lên báo hiệu mùa xuân tới. Tết đúng là mùa của sự phấn khởi. Tạo hóa đổi thay. Cây cối đâm chồi nảy lộc khoe sắc. Lòng người cũng hồ hởi đón mừng một năm mới với hy vọng sẽ tốt lành hơn năm cũ. 

Người Việt ta dù khó khăn đến mấy cũng cố gắng sửa sang nhà cửa tươm tất, bỏ qua những bực bội, giận hờn trong lòng để những ngày Tết, ngày đầu năm đủ đầy, vui vẻ, những mong may mắn đến cửa nhà, tránh “giông cả năm”.   

Thật đúng là điều nên làm. Chúng ta hãy cứ vui tươi, thư giãn, tạm dẹp bộ máy lo âu, suy tư trong cơ thể và trí óc, hãy tiêu xài, tự sắm cho mình những món đồ thèm muốn.

Nhưng đó là với những vấn đề thường nhật của cuộc sống. Trong những ngày Tết, chúng ta nên dừng chân, tận dụng thời gian được nghỉ ngơi, thư giãn để nghĩ tới những vấn đề trọng đại mà dân tộc sẽ phải đối mặt trong nhiều thập niên tới.

Tết là mùa để nhớ về dĩ vãng và ngẫm nghĩ về tương lai xa, cái thời của tiền nhân và cái thời sắp tới của các con cháu chúng ta. Hôm nay, tôi cùng bạn tạm dừng ở một vài vấn đề.

Tuổi già của dân tộc

Bất cứ ai nhìn vào xã hội Việt Nam đều nhìn nhận là xã hội chúng ta rất trẻ. Nhưng ít ai nhận ra một thực tế rằng cơ cấu gia đình trung bình của chúng ta đang biến đổi rất nhanh, chỉ trong vài chục năm đã đi từ gia đình đông con (5, 10 con) sang gia đình ít con (1, 2 con). Điều này diễn biến song song với hiện tượng đô thị hoá và chính đô thị hoá lại cũng đi song song với công nghiệp hoá và kém nông nghiệp hoá.

Từ lâu, tôi đã chỉ ra hiện tượng "hoang mạc" hoá nông thôn ở nước ta, khi những người trẻ tuổi lũ lượt ra tỉnh thành lập nghiệp, ở làng chỉ còn lại người già trông nom lẫn nhau.

Ngoài nguy cơ đánh mất “văn hoá làng quê” như hát chèo, hát bội, cải lương… đang hiện ra rõ hơn, trong khi không được thay thế tốt bằng một kiểu văn hoá đô thị nào đó, chúng ta đang đánh mất truyền thống nông nghiệp. Chúng ta sẽ còn phải đối mặt với một vấn đề lớn hơn nhiều, đó là chỉ 30, 40 năm nữa, xã hội chúng ta sẽ mất cân bằng nặng. Chúng ta sẽ có một xã hội toàn người già, mà quá ít người trẻ.

70% người trẻ ngày hôm nay sẽ là 80% người già ngày mai, nếu các gia đình đẻ con mỗi ngày một ít đi, tuổi thọ mỗi ngày một tăng lên. Chúng ta sẽ không xây bệnh viện đủ kịp, đủ nhiều, chúng ta sẽ không có đủ ngân sách cho người cao tuổi.

Hãy miễn cho tôi tìm hiểu tại sao. Nhưng nếu chúng ta muốn giải quyết vấn đề thì phải làm ngay. Nếu đợi đến khi nguy cơ này hiện ra rồi thì thực sự quá muộn, mà ảnh hưởng trên xã hội và sự tồn vong của dân tộc sẽ to lớn. Nhật Bản, Nga, một số quốc gia châu Âu đang lâm vào thời kỳ khủng hoảng bởi dân số già cỗi. 

Quy hoạch và chính sách: Chức năng của dân tộc trên địa cầu là gì?

Chúng ta đang đi theo con đường công nghiệp hóa của các nước phát triển. Người ta đi từ cách mạng 2.0 sang 3.0, rồi 4.0, chúng ta cũng đang trên con đường đó.

Không thể chối cãi một thực tế rằng, chúng ta sinh ra để bắt chước. Bạn có thể nhắc tôi rằng, có gì đáng xấu hổ khi bắt chước những điều hay, việc tốt. Không có gì đáng xấu hổ cả, nhưng trước khi làm việc đó, chúng ta phải học được việc các quốc gia văn minh hùng mạnh vẫn làm. Đó là đọc lại lịch sử và địa dư của nước ta rồi cố đi sát với chức năng của dân tộc và của lãnh thổ.  

Mỗi dân tộc có một chức năng riêng. Dân tộc Pháp chẳng hạn, đã cho thế giới nhiều sáng chế mang tính cách triết lý chính trị: Montesquieu đã chế ra thể chế tam quyền phân lập. Nước Pháp cũng chế ra tuyên ngôn quyền làm người.

Trong khi đó, người Mỹ đã sáng chế ra nền tư bản và nay đã cho thế giới thấy sự lợi hại của các nhóm start-up trong sự phát triển ào ào như nước vỡ bờ của nền kinh tế được kỹ thuật số hoá và sắp sinh học hoá. Dân tộc Nhật đã tiến rất nhanh từ khi họ đem tư duy “tỉ mỉ hoá và chất lượng hoá” mọi sản phẩm để áp dụng cho phong trào Minh Trị vào đầu thế kỷ trước. Singapore hiểu rõ vị trí của họ trên bản đồ hàng hải thế giới và biến nước họ thành nơi trung chuyển của Đông Nam Á.

Dân tộc nào không hiểu được chức năng nội tại của mình sẽ khó lòng đi xa.

Vậy chức năng của dân tộc Việt Nam là gì?

Chúng ta đừng bao giờ quên rằng, nông nghiệp truyền thống là sở trường của dân tộc. Ít có quốc gia nào có nhiều sản vật nông nghiệp như Việt Nam ta.

Thử nhìn sang nước Nhật, họ xuất khẩu được thịt bò Wagyu, Kobe, táo Kimura… ra bên ngoài với giá trị rất cao. Đó là nhờ họ đi vào con đường nông nghiệp hữu cơ, chăm chút cho sản phẩm có chất lượng cao. Còn nếu chọn nông nghiệp vô cơ, kém chất lượng, đó sẽ là một hướng đi tai hại.

Quốc gia nào biết gìn giữ nông nghiệp truyền thống sẽ nắm vững tương lai, sẽ bảo đảm được thu nhập quốc gia về nông sản, sẽ tặng cho công dân của mình được cái “ăn ngon,  ngủ kỹ”. Đúng lúc này là lúc đi vào những sản phẩm chất lượng thật cao. Nhưng trong khi thị trường này đang manh nha phôi thai, nông dân rất cần sự giúp đỡ ồ ạt của Chính phủ. Các nước khác cũng chẳng làm khác, cho dù tất cả mọi đối tác vẫn phải tôn trọng những hiệp định đã được ký. 

Khởi nghiệp là cứu cánh

Trong nông nghiệp, cũng như trong các ngành công nghệ cao, Việt Nam chúng ta có rất nhiều người trẻ tuổi sẵn sàng chấp nhận gian khó để đi vào những hình thức khởi nghiệp vô cùng sáng tạo. Tôi biết những người nông dân, hay kỹ sư đã phải gỡ chiếc đồng hồ đeo tay bán đi lấy tiền khởi nghiệp.

Số đông đã thất bại, nhưng số đông vẫn còn khát khao muốn khởi nghiệp lần thứ 2. Lý do là họ hiểu, muốn vươn lên làm giàu thì không thể yên ổn sống đời công chức, hay nhân viên công ty.

Thế kỷ 21 sẽ tặng cho thế hệ trẻ Việt Nam những cơ hội lịch sử, nhưng để biến lịch sử thành sự hiện hữu phải cần thêm nhiều điều kiện khác nữa. Đó là cơ chế hành chính phải cực kỳ dễ dãi cho các nhóm khởi nghiệp. Pháp là nước điển hình cho sự thất bại của khởi nghiệp do cơ chế phức tạp.

Đó còn là các doanh nghiệp lớn trong nước phải ý thức được tầm quan trọng về sự đóng góp của họ trong nền khởi nghiệp. Họ nên công khai những nhu cầu, tạo điều kiện cho các nhóm khởi nghiệp vào thi thố tài năng để chính doanh nghiệp của mình phát triển và đa dạng hoá. Hình thức khởi nghiệp dễ thành công nhất là khởi nghiệp trong doanh nghiệp đang tăng trưởng.

Các trường đại học và các trường trung học phổ thông nên thổi một luồng gió khởi nghiệp mạnh mẽ. Một việc tối thiểu là cho các nhóm khởi nghiệp mượn mặt bằng và sử dụng các trang bị nhà trường. Một hợp đồng giữa doanh nghiệp và nhóm khởi nghiệp có thể được thiết lập, nhóm khởi nghiệp nhận một số vốn, nhưng phải trả lại bằng số cổ phiếu khi công ty khởi nghiệp được thành lập.

Giả sử có 100.000 nhóm khởi nghiệp, 90.000 thất bại thì vẫn có tới 10.000 nhóm thành công trong những điều kiện nói trên. Trên 10.000 doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, sẽ có 1.000 thành công lớn và 100 thành công rực rỡ. Ôi, viễn cảnh một nước Việt có 100 doanh nghiệp thành công rực rỡ hoành tráng làm sao!

Trên những con số, chúng ta còn có những thành quả to lớn hơn mà chúng ta có lẽ chưa đánh giá đúng. Đó là sự hồ hởi, tự tin, tự hào mà mỗi bước thành công trong khởi nghiệp sẽ tạo ra cho thế hệ trẻ, một thế hệ đang rất cần những món quà tinh thần này. Và đừng quên, chỉ 30 năm nữa là thế hệ trẻ sẽ phải nuôi cả dân tộc. Ngày hôm nay, họ là 70% của dân tộc, nhưng ngày mai thì họ sẽ là 100%, bạn có ý thức được điều đó không?

Tết đến, Xuân về, tôi chỉ có một lời chúc: Chúc toàn dân ý thức được thế hệ trẻ rất cần được yêu một cách thành thực, thực tiễn, cụ thể và lâu dài. Riêng tôi, tôi không giấu được tôi yêu thế hệ trẻ của Việt Nam một cách thắm thiết, sẵn sàng làm tất cả để các con em chúng ta được hưởng phần thưởng xứng đáng với chức năng truyền thống của dân tộc. 

Ngẫm về dĩ vãng và tương lai xa ảnh 1

 Giáo sư  Phan Văn Trường.

Giáo sư Phan Văn Trường hiện là Cố vấn thương mại của Chính phủ Pháp. Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực xây dựng, điện lực, giao thông vận tải, lọc nước, đô thị và dầu khí.

Kể từ khi nghỉ hưu cách đây hơn chục năm, ông thường xuyên về Việt Nam tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học, trung tâm bồi dưỡng doanh nhân; tư vấn cho nhiều doanh nghiệp, doanh nhân về quản trị doanh nghiệp… với mong muốn đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tin bài liên quan