Đối với các doanh nghiệp có niên độ tài chính không kết thúc vào ngày 31/12/2018, việc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên để thông qua kế hoạch kinh doanh niên độ tài chính mới đã và đang được thực hiện.
Tại CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS), ngày 7/12 tới, LSS sẽ tổ chức họp ĐHCĐ thường niên năm tài chính 2018-2019. Niên độ tài chính của LSS bắt đầu từ ngày 1/7 tới 30/6 hàng năm.
LSS cho biết, niên độ tài chính 2018-2019, LSS đặt mục tiêu sản lượng đường sản xuất các loại đạt khoảng 89.500 tấn, tăng 2% so với niên độ 2017-2018; sản lượng tiêu thụ 110.000, tăng 25%; tổng doanh thu 1.600 tỷ đồng, tăng 17%; lợi nhuận trước thuế 95 tỷ đồng, tăng 177%.
Việc LSS đặt mục tiêu lợi nhuận tăng đột biến cho niên độ 2018-2019 ít nhiều gây băn khoăn trong bối cảnh ngành mía đường Việt Nam đang đối mặt với việc giá thành nguyên liệu đầu vào cao hơn so với các nước trong khu vực.
Mặt khác, kết thúc quý I (kỳ tài chính từ 1/7-30/9/2018), mặc dù doanh thu thuần tăng 43% so với cùng kỳ niên độ trước, nhưng do giá vốn bán hàng tăng, đặc biệt chi phí lãi vay tăng hơn 50% và chịu lỗ hơn 1,2 tỷ đồng từ hoạt động khác, nên lợi nhuận sau thuế của LSS chỉ còn 530 triệu đồng, giảm 95% so với cùng kỳ.
Cùng trong ngành đường, CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) cũng có niên độ tài chính tương tự LSS. ĐHCĐ mới tổ chức giữa tháng 11 vừa qua của SBT đã thông qua kế hoạch sản lượng đường tiêu thụ đạt trên 846.700 tấn, tăng 47,9% so với niên độ trước; tổng doanh thu hợp nhất 11.545 tỷ đồng, tăng 12,2%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 680 tỷ đồng, giảm nhẹ so với niên độ trước là 682 tỷ đồng.
SBT cũng trải qua quý I không như kỳ vọng với lợi nhuận sau thuế giảm 58% bởi đây là thời điểm thấp điểm của ngành đường nói chung. So với kế hoạch, trong quý đầu niên đội 2018-2019, SBT mới hoàn thành 6% kế hoạch năm đề ra. Tuy vậy, với việc ký kết các hợp đồng mở rộng thị trường sang châu Âu, lãnh đạo SBT tin tưởng sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra.
Với những doanh nghiệp có niên độ tài chính kết thúc vào ngày 31/12/2018, bên cạnh việc tăng hết công suất để hoàn thành KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc) mà ĐHCĐ giao phó, cũng rục rịch chuẩn bị kế hoạch cho năm mới.
Tại CTCP Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO (CTI), Hội đồng quản trị CTI vừa thông qua kế hoạch sản xuất - kinh doanh hợp nhất năm 2019 với tổng doanh thu 1.795 tỷ đồng và tổng lợi nhuận sau thuế hơn 191,7 tỷ đồng, tăng lần lượt 60% và 30% so với kế hoạch năm 2018.
9 tháng đầu năm 2018, CTI đạt 713 tỷ đồng doanh thu và 111 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cùng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch cả năm 2018, CTI đã đi được 3/4 chặng đường.
Năm 2019, CTI cho biết sẽ hoàn tất việc chuyển giao dự án BOT Phan Thiết - Đồn Nai, hoàn thành dự án 319 nối dài và nút giao giữa đường 319 với cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây để đưa vào khai thác, thúc đẩy và thực hiện các dự án Khu nhà ở xã hội Tam Hòa, các mỏ đá Tân Cang 8, Thiện Tân 10...
Tại CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn (SII), ước tính năm 2018, SII đạt 527,1 tỷ đồng tổng doanh thu, giảm so với kết quả năm 2017, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng 11% lên 61,6 tỷ đồng.
SII cho biết, năm nay, Công ty ghi nhận khoản thu nhập tài chính lớn từ giao dịch thoái vốn tại Cần Thơ WASSCO, nhưng năm 2019 dự kiến không có khoản này nên kế hoạch tổng doanh thu giảm đi đáng kể. Bù lại, SII có thể nhận được cổ tức từ BOO Thủ Đức và Tân Hiệp 2 cao hơn so với năm 2018.
Nhìn chung, với những doanh nghiệp đưa ra kế hoạch kinh doanh sớm cho năm 2019, tăng trưởng dương vẫn là mục tiêu chính. Trên bình diện vĩ mô, Quốc hội và Chính phủ đã thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 từ 6,6%-6,8%, tương ứng tăng thêm 0,1 điểm phần trăm so với mục tiêu năm 2018, trong khi các mục tiêu kinh tế khác không có nhiều thay đổi so.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, với sự thận trọng của Chính phủ, mức độ biến động của nền kinh tế năm 2019 (nếu có) sẽ không cao, cho dù bắt đầu xuất hiện một số tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang trong giai đoạn cuối của một chu kỳ tăng như tăng trưởng GDP ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây (xấp xỉ 7%), lạm phát bắt đầu chạm đáy và đi lên, lãi suất có tín hiệu tăng, các thị trường tài sản như chứng khoán và bất động sản sôi động...
Dù vậy, với những thách thức đang hiện hữu, các doanh nghiệp cần thận trọng với mục tiêu tăng trưởng trong năm mới, đồng thời linh hoạt điều chỉnh kế hoạch phù hợp với bối cảnh nền kinh tế nói chung và triển vọng của từng ngành nghề nói riêng.