Số liệu từ hãng nghiên cứu thị trường Emarketer (Mỹ) cho thấy gần một phần tư người mua sắm online tại quốc gia đông dân nhất thế giới mua ít nhất một món hàng từ các trang hay người bán bên ngoài biên giới.
“Lý do chủ yếu là vì không có gì mới, trong khi người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng nhanh nhạy với công nghệ và có nhiều cơ hội tiếp cận với các mặt hàng nước ngoài thông qua Internet và những chuyến du lịch.
Quan trọng hơn, họ sẵn sàng trả tiền để mua hàng”, Shelleen Shum, chuyên gia phân tích của Emarketer giải thích.
Người tiêu dùng tại đây tìm kiếm những mặt hàng mà họ không thể tìm thấy trong nước, có giá tốt hơn, chất lượng hơn và giảm thiểu khả năng mua phải hàng giả ở những trang bán hàng nội địa.
Từ cá hồi Alaska (Mỹ), mỹ phẩm Hàn Quốc đến những đôi giày hiệu phiên bản giới hạn, người tiêu dùng Trung Quốc chọn nhiều cách khác nhau để tậu món đồ mình yêu thích. Đó có thể là các trang thương mại điện tử nước ngoài hoặc trong nước.
Vài năm trở lại đây, cả hai hãng thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc là Alibaba và JD đều gia tăng lượng hàng nhập khẩu và cả người bán nước ngoài để dễ dàng đưa hàng ngoại đến thẳng người tiêu dùng.
Cách này giúp nhiều doanh nghiệp quốc tế không cần phải lập công ty mà vẫn có thể tiếp cận thị trường đông dân nhất thế giới.
“Người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận số lượng sản phẩm đa dạng trên một nền tảng quen thuộc”, nghiên cứu từ Emarketer chỉ ra thêm.
Trong sự kiện “Ngày độc thân” 11/11 vừa qua, người tiêu dùng Trung Quốc đã chi 25 tỷ USD mua hàng với mức giá ưu đãi trên Alibaba. Trong số các mặt hàng tiêu thụ, năm quốc gia đứng đầu là Nhật, Mỹ, Australia, Đức và Hàn Quốc.