Thị trường được thúc đẩy nhờ kỳ vọng vào hòa bình tại châu Âu, sau khi Nga hứa sẽ giảm quy mô các hoạt động quân sự xung quanh Kyiv và miền bắc Ukraine như một bước xây dựng lòng tin. Trong khi Ukraine đề xuất áp dụng quy chế trung lập, một giải pháp tiềm năng cho việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 5 tuần.
Ngoài ra, giá dầu và các mặt hàng khác giảm cũng đã giúp xoa dịu những lo ngại về lạm phát gia tăng và đường lối chính sách tiền tệ của Fed, vốn đã bắt đầu trở nên diều hâu hơn để chống lại lạm phát.
Nhà đầu tư cũng theo dõi chặt chẽ thị trường trái phiếu, khi đường cong lãi suất có thời điểm lại đảo ngược, với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 5 năm cao hơn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm, sự đảo ngược dẫn đến một số lo ngại về suy thoái.
Bên cạnh đó, mức chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 10 năm, vốn được các chuyên gia kinh tế xem là đáng tin cậy hơn cũng đã tiến tới gần với mức đảo ngược.
Nhưng lịch sử cho thấy, không phải lần đảo ngược nào của đường cong lợi suất cũng báo hiệu suy thoái. Dù đây là một dấu hiệu đáng ngại, nhà đầu tư nhìn chung giữ được bình tĩnh.
Phiên này, cổ phiếu năng lượng vẫn là ngành duy nhất giảm, để mất thêm gần 2%, sau khi mất hơn 2% vào thứ Hai do giá dầu tiếp tục suy yếu.
Phiên này, cổ phiếu ô tô nằm trong số những mã tăng mạnh nhất, với Ford tăng 6,5% và cổ phiếu GM tăng hơn 4%.
Nhóm cổ phiếu ngành du lịch cũng có kết quả vượt trội, với cổ phiếu Caesar’s Entertainment tăng 5,6% và American Airlines tăng 5%.
Kết thúc phiên 29/3, chỉ số Dow Jones tăng 338,30 điểm (+0,97%), lên 35.294,19 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 56,08 điểm (+1,23%), lên 4.631,60 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 264,73 điểm (+1,84%), lên 14.619,64 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng tích cực, khi các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine có dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy tiến trình ngừng xung đột.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 1,63% lên 461,57 điểm, mức cao nhất trong gần một tháng và kéo dài mức tăng sang phiên thứ ba liên tiếp.
Tất cả các phân ngành chính đều tăng điểm, dẫn đầu là các nhà sản xuất ô tô và ngân hàng, tăng lần lượt 5,9% và 3,8%.
Tại cuộc đàm phán hòa bình, Nga hứa sẽ giảm quy mô các hoạt động quân sự xung quanh Kyiv và miền bắc Ukraine như một bước xây dựng lòng tin. Trong khi Ukraine đề xuất áp dụng quy chế trung lập.
Susannah Streeter, Chuyên gia đầu tư và thị trường cho biết: “Sau bước đột phá tiềm năng trong các cuộc đàm phán, chứng khoán châu Âu đã tăng tốc, vì thực sự thị trường lo ngại không chỉ về vấn đề xung đột quân sự ngay trước cửa châu Âu, mà còn ảnh hưởng của nó đến giá cả hàng hóa”.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm của Đức lần đầu tiên chuyển sang tích cực kể từ năm 2014, trong khi đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm/10 năm của Mỹ tiến thêm một bước gần với sự đảo ngược.
"Bạn không thấy những chuyển động tương tự trên thị trường trái phiếu Đức như ở Mỹ, nhưng lạm phát tăng cao cũng có thể khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu thắt chặt nhanh hơn dự đoán, điều này sẽ khiến giá sinh hoạt gia đình tăng cao ... Lo lắng khác là suy thoái kinh tế có thể xảy ra", Streeter nói thêm.
Kết thúc phiên 29/3: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 64,11 điểm (+0,86%), lên 7.537,25 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 402,96 điểm (+2,79%), lên 14.820,33 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 203,05 điểm (+3,08%), lên 6.792,16 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng, dẫn đầu bởi các nhà sản xuất ô tô và vận tải biển, và nhu cầu đảm bảo quyền chi trả cổ tức đang thúc đẩy thị trường.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, do cổ phiếu công nghệ và người tiêu dùng suy yếu, khi việc phong tỏa ở thành phố đông dân nhất của nước này đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế.
Chứng khoán Hồng Kông thêm một phiên được nâng đỡ nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng, do hy vọng về các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, và giá dầu giảm.
Kết thúc phiên 29/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 308,53 điểm (+1,10%), lên 28.252,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 10,56 điểm (-0,33%), xuống 3.203,94 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 242,66 điểm (+1,12%), lên 21.927,63 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 11,51 điểm (+0,42%), lên 2.741,07 điểm.
Giá vàng thế giới ngày thứ Ba tiếp tục giảm khi tiến triển trong đàm phán Nga-Ukraine đã hút dòng tiền trú ẩn ra khỏi kim loại quý.
Kết thúc phiên 29/3, giá vàng giao ngay giảm 2,6 USD xuống 1.920 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 5 tăng hơn 10 USD lên 1.925,7 USD/ounce.
Giá dầu thô tiếp tục bị đè nặng bởi đợt phong tỏa ở Thượng Hải, Trung Quốc nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19 gây ra lo ngại về nhu cầu giảm ở quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới này.
Kết thúc phiên 29/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 1,72 USD (-1,65%), xuống 104,24 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,25 USD (-2,04%), xuống 110,23 USD/thùng.