Bên ngoài một nhà hàng McDonald's ở trung tâm Moscow, Nga vào ngày 9/3/2022: Ảnh: AFP
Hàng chục công ty Mỹ, châu Âu và Nhật Bản hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực đã từ bỏ các công ty liên doanh, nhà máy, cửa hàng và văn phòng tại Nga trong 2 tuần qua, nhằm đáp trả cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và hưởng ứng các lệnh trừng phạt lên nền kinh tế này.
Các biện pháp trừng phạt đã tác động đến gần như toàn bộ ngành tài chính Nga, kể cả Ngân hàng Trung ương của nước này, khiến đồng rúp bị xáo trộn và đặt Nga đứng trước nguy cơ suy thoái nặng nề và mất khả năng trả nợ quốc gia.
Có thể còn nhiều tin xấu nữa sắp xảy với nền kinh tế Nga bởi theo như tuyên bố hôm 10/3 của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thì nền kinh tế Nga sẽ bị "tàn phá" bởi hậu quả của các lệnh trừng phạt hiện nay từ phương Tây và "chúng tôi ... tiếp tục xem xét các bước tiếp theo mà chúng tôi có thể thực hiện".
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ đáp trả. Phát biểu tại cuộc họp hôm 10/3 với các quan chức chính phủ, ông Putin ủng hộ kế hoạch thiết lập "quản lý bên ngoài" đối với các công ty nước ngoài rời Nga.
"Chúng ta cần phải hành động dứt khoát với những (công ty) sắp đóng cửa sản xuất", Tổng thống Putin nói trong một đoạn video do Điện Kremlin đăng tải và được phát sóng trên phương tiện truyền thông nhà nước Nga.
"Cần thiết thì... áp dụng quản lý bên ngoài và sau đó chuyển các doanh nghiệp này cho những người muốn làm việc", ông Putin nói thêm.
Trước đó, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, quy định pháp luật liên quan vấn đề trên đã được soạn thảo. "Nếu chủ sở hữu nước ngoài đóng cửa doanh nghiệp một cách bất hợp lý, thì trong những trường hợp như vậy, chính phủ sẽ đề xuất áp dụng quy định quản lý bên ngoài. Tùy thuộc vào quyết định của chủ sở hữu, nó sẽ quyết định số phận tương lai của doanh nghiệp", Thủ tướng Mishustin nói.
"Nhiệm vụ trọng tâm sẽ là duy trì ... hoạt động của các đơn vị và việc làm. Hầu hết các doanh nghiệp thông báo tạm ngừng hoạt động nhưng vẫn duy trì việc làm và tiền lương, và chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình này", Thủ tướng Nga nhấn mạnh.
Hàng loạt công ty đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và tiêu dùng, đã thông báo "chia tay" thị trường Nga, đơn cử McDonald's, Coca-Cola, Apple, cùng với các "ông lớn" dầu mỏ như BP và Shell. Mới đây nhất, Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cho biết họ sẽ cắt giảm hoàn toàn hoạt động tại Nga. Các ngân hàng khác của Mỹ nhiều khả năng sẽ theo chân Goldman Sachs, bỏ lại hàng tỷ USD nợ đọng.
Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS dẫn nguồn tin từ tờ Izvestiya cho biết, Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nga đã lập danh sách các công ty đã quyết định rời thị trường và có thể bị quốc hữu hóa. Danh sách này được cho là đã được chuyển tới chính phủ Nga và Văn phòng Viện kiểm sát Liên bang Nga, nó liệt kê 59 công ty, trong đó có các tập đoàn hàng đầu thế giới như Volkswagen, Apple, IKEA, Microsoft, IBM, Shell, McDonald's, Porsche, Toyota, và H&M. Danh sách này có thể sẽ được tiếp tục cập nhật thêm.
Trước đó, chính phủ Nga đã ban hành danh mục hàng hóa và thiết bị nhập khẩu vào Nga mà doanh nghiệp bị cấm mang ra khỏi nước này. Theo một tuyên bố được đăng tải trên website chính phủ Nga, danh mục trên gồm hơn 200 mặt hàng, từ mặt hàng công nghệ, viễn thông, thiết bị y tế, xe cộ, máy móc nông nghiệp, thiết bị điện, đến toa xe lửa và đầu máy, container, tua-bin, kim loại và máy xử lý đá, màn hình, máy chiếu…
Các lệnh cấm trên sẽ duy trì hiệu lực cho đến cuối năm 2022.