Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng SWIFT cho biết, Nga hiện là thị trường sử dụng đồng tiền Trung Quốc lớn thứ tư sau đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc), Anh và Singapore.
Trong khi đặc khu hành chính Hồng Kông, Anh và Singapore là những nền tảng chính để giao dịch bằng đồng tiền Trung Quốc, thì việc Nga được thêm vào danh sách này là một điều mới mẻ, vì quốc gia này thậm chí còn không lọt vào danh sách 15 thị trường sử dụng đồng nhân dân tệ hàng đầu cho đến tháng 5/2022.
Vào tháng 10/2022, xét thanh toán bằng đồng nhân dân tệ ngoài Đại Lục thì Hồng Kông chiếm 72% tổng thanh toán bằng đồng nhân dân tệ; Anh chiếm 5,5% tổng thanh toán bằng đồng nhân dân tệ; Nga chiếm 3,3% tổng thanh toán bằng đồng nhân dân tệ và còn lại là các quốc gia khác.
Bất chấp việc sử dụng tăng đột biến gần đây, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc chỉ là đồng tiền được sử dụng phổ biến thứ năm trong thanh toán toàn cầu, chiếm 2,1% tổng thị phần, mặc dù đã tăng từ mức 1,7% so với tháng 10/2020.
Đồng đô la Mỹ vẫn chiếm ưu thế vì 42% các khoản thanh toán toàn cầu được thực hiện thông qua đồng bạc xanh vào tháng 10/2022.
Dữ liệu do Sàn giao dịch Moscow công bố cũng cho thấy mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc và Nga, với giao dịch bằng cặp đồng nhân dân tệ-rúp đạt trung bình gần 9 tỷ nhân dân tệ, tương đương 1,25 tỷ USD mỗi ngày trong tháng 10.
Sự quan tâm ngày càng tăng của Nga đối với đồng nhân dân tệ sau các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga đã khiến các ngân hàng Nga bị hạn chế quyền truy cập vào hệ thống SWIFT. Gần một nửa dự trữ ngoại tệ của Nga - bao gồm cả tiền mặt và vàng - cũng đã bị đóng băng.
Nga hiện đang nghiên cứu các giải pháp thay thế cho hệ thống SWIFT do Mỹ và EU thống trị trong thương mại quốc tế, bao gồm cả việc yêu cầu thanh toán năng lượng bằng đồng rúp. Một số công ty của Nga, chẳng hạn như tập đoàn năng lượng khổng lồ Rosneft cũng đã phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc để huy động vốn.
Dmitry Piskulov, người đứng đầu các dự án quốc tế tại Sở giao dịch ngoại hối Moscow cho biết, sự thay đổi này đã chứng kiến tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trên thị trường ngoại hối chính thức của Sở giao dịch ngoại hối Moscow từ mức dưới 1% vào đầu năm 2022 đã tăng lên khoảng 40 - 45% hiện nay. Trong khi đó, giao dịch bằng đồng đô la Mỹ với đồng rúp giảm một nửa xuống còn khoảng 40% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm trước.
Những chuyển biến như vậy đang tạo ra những thay đổi về cấu trúc trong nền kinh tế Nga. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, Elvira Nabiullina đã nói với các nhà lập pháp vào đầu tháng 11 rằng, đồng nhân dân tệ chảy vào hệ thống của Nga tiêu biểu cho "sự chuyển đổi thành phần tiền tệ trong nền kinh tế của chúng ta".