Một giếng dầu ở Dyurtyuli, Cộng hòa Bashkortostan (Liên bang Nga). (Ảnh: Getty Images/TTXVN).
Tháng Bảy vừa qua là tháng thứ ba liên tiếp Nga duy trì vị trí là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Trung Quốc.
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu mỏ của Nga, bao gồm các nguồn cung thông qua đường ống Đông Siberia Thái Bình Dương và các chuyến tàu biển từ các cảng Viễn Đông và châu Âu của Nga, đạt tổng cộng 7,15 triệu tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn cung từ Nga trong tháng Bảy tương đương khoảng 1,68 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức kỷ lục là gần 2 triệu thùng/ngày trong tháng Năm. Trung Quốc cũng là khách hàng lớn nhất của dầu mỏ Nga.
Nhập khẩu từ Saudi Arabia, đứng thứ hai trong tháng Bảy đạt 6,56 triệu tấn, tăng trở lại so với mức trong tháng Sáu, vốn là thấp nhất trong ba năm, nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung từ đầu năm đến nay, lượng dầu Trung Quốc nhập khẩu từ Nga đã lên tới 48,45 triệu tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, song vẫn thấp hơn từ Saudi Arabia, nước cung cấp 49,84 triệu tấn, thấp hơn 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng Bảy đã giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó sản lượng theo ngày ở mức thấp nhất trong vòng bốn năm trở lại đây, do các cơ sở lọc dầu giảm công suất và nhu cầu nhiên liệu trong nước phục hồi chậm hơn dự kiến.
Sức mua mạnh đối với dầu thô của Nga đã khiến lượng dầu nhập từ Angola giảm 27% và Brazil giảm 58%. Tổng Cục Hải quan cũng cho biết trong tháng trước, Trung Quốc không nhập khẩu dầu từ Venezuela và Iran.
Nhập khẩu than Nga của Trung Quốc chạm mức cao nhất 5 năm
Nhập khẩu than của Trung Quốc từ Nga trong tháng 7/2022 đã tăng 14% so với một năm trước đó, lên mức cao nhất trong ít nhất 5 năm, do Trung Quốc mua được than giảm giá trong bối cảnh các nước phương Tây xa lánh hàng hóa của Nga vì cuộc xung đột với Ukraine.
Cụ thể, dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, nước này đã nhập khẩu 7,42 triệu tấn than từ Nga vào tháng trước. Đó là con số nhập khẩu than hàng tháng cao nhất kể từ khi số liệu thống kê bắt đầu được so sánh vào năm 2017, tăng từ mức tương ứng 6,12 triệu tấn ghi nhận vào tháng 6/2022 và 6,49 triệu tấn của tháng 7/2021.
Các nước phương Tây đang tránh vận chuyển hàng hóa từ Nga trước lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với than đá của Nga có hiệu lực vào ngày 11/8, nhằm làm giảm doanh thu từ năng lượng của Moskva sau khi nước này triển khai chiến dịch quân sự vào Ukraine hồi tháng Hai. Lệnh cấm đã buộc Nga phải nhắm mục tiêu vào những khách hàng khác như Trung Quốc và Ấn Độ, với giá bán chiết khấu cao.
Tính tới cuối tháng 7/2022, than nhiệt của Nga với giá trị gia nhiệt là 5.500 kilocalories (kcal) được giao dịch quanh mức 150 USD/tấn đã bao gồm cả cước vận chuyển (CNF), trong khi than có cùng chất lượng tại cảng Newcastle của Australia được bán với giá hơn 210 USD/tấn và chỉ là giá tại cửa khẩu bên bán, không gồm chi phí vận chuyển tới nước nhập khẩu (FOB).
Một số thương nhân Trung Quốc kỳ vọng sẽ có nhiều than của Nga nhập vào Trung Quốc trong quý 4 năm 2022, khi các công ty tiện ích ở miền Bắc Trung Quốc tích trữ dự trữ cho hoạt động sưởi ấm vào mùa Đông.
Cũng trong tháng Bảy vừa qua, xuất khẩu than của Indonesia, chủ yếu là than nhiệt chất lượng thấp, giá rẻ với giá trị gia nhiệt dưới 3.800 kcal, đạt 11,7 triệu tấn. Con số này đã tăng 22% so với tháng Sáu, nhưng giảm 40% so với một năm trước đó. Trung Quốc đã giảm nhập khẩu than tổng thể trong những tháng gần đây do sản lượng than trong nước tăng mạnh.
Các nhà máy điện ở miền Nam Trung Quốc đã tăng cường đấu thầu mua than của Indonesia trong tháng Tám này vì giá rẻ hơn than trong nước, trong khi nhu cầu phát điện bằng than tăng lên bởi đợt nắng nóng kỷ lục.
Giá than nhiệt của Indonesia, với giá trị gia nhiệt ở mức 3.800 kcal đã tăng lên mức khoảng 78 USD/tấn FOB vào tuần trước, vẫn thấp hơn mức khoảng 690 nhân dân tệ (101 USD)/tấn than trong nước khi tính cả chi phí vận chuyển.
Dữ liệu hải quan của Trung Quốc cho thấy, nước này không nhập lô than nào từ Australia trong tháng Bảy.