Nga thay đổi chiến thuật, giới đầu tư hoang mang

Nga thay đổi chiến thuật, giới đầu tư hoang mang

(ĐTCK) Phố Wall giảm điểm trong phiên ngày thứ Ba (1/3), với các cổ phiếu tài chính chịu nhiều thiệt hại trong ngày thứ hai liên tiếp, khi cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine ngày càng khiến giới đầu tư lo ngại.

Tình hình chiến sự tiếp tục mang đến tin xấu, sau khi Nga cảnh báo người dân Kyiv hãy ra khỏi nhà và tăng cường bắn phá các khu vực đô thị của Ukraine, một sự thay đổi chiến thuật sau khi cuộc tấn công kéo dài 6 ngày của họ đang bị chặn lại.

Mike Zigmont, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và giao dịch tại Harvest Volatile Management ở New York, cho biết: “Các nhà đầu tư đang bơi trong nỗi sợ hãi và họ không biết làm thế nào để kết hợp tin tức địa chính trị vào việc định giá thị trường”.

Phiên này, 10 trong số 11 chỉ số ngành thuộc S&P 500 giảm, dẫn đầu là tài chính khi để mất 3,7%.

Trong đó, chỉ số ngân hàng giảm 4,8% khi lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ lùi xuống mức thấp nhất trong 5 tuần ở dưới 1,7%/năm, với các cổ phiếu Bank of America mất 3,9%, Wells Fargo giảm 5,8%, Charles Schwab mất gần 8%.

Ở chiều ngược lại, dầu khí là nhóm duy nhất khởi sắc nhờ giá dầu thô đang đứng ở trên 100 USD/thùng, với Chevron Corp tăng 4% lên mức cao nhất từ ​​trước đến nay.

Kết thúc phiên 1/3, chỉ số Dow Jones giảm 597,65 điểm (-1,76%), xuống 33.294,95 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 67,68 điểm (-1,55%), xuống 4.306,26 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 218,94 điểm (-1,59%), xuống 13.532,46 điểm.

Chứng khoán châu Âu sụt giảm, khi thị trường vật lộn với sự bất ổn xung quanh vấn đề Nga-Ukraine.

Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 1,87% xuống 444,62 điểm, với các thị trường lớn như Anh, Pháp, Đức đều lao dốc khá mạnh.

Ban đầu, cổ phiếu ngành khai khoáng và dầu khí ở châu Âu đã tăng, nhưng ngay cả những cổ phiếu này cũng đã dần suy yếu và cổ phiếu ngân hàng sụt giảm nghiêm trọng 4%, cho thấy các nhà đầu tư hiện đang cảm thấy rằng việc tăng lãi suất có thể bị trì hoãn hoặc ít nhất là sẽ tăng không đáng kể.

Paul Jackson, người đứng đầu của tại Asset Allocation Research cho biết: "Giả sử không có giải pháp nhanh chóng cho cuộc xung đột Nga-Ukraine này, chúng tôi sợ rằng GDP toàn cầu có thể giảm 0,5% -1% trong năm nay”.

Dữ liệu PMI tháng 2 cho thấy đà tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của khu vực đồng euro đã giảm nhẹ, mặc dù mức tăng vẫn tương đối tốt và các công ty cho biết các hạn chế trong chuỗi cung ứng đã được nới lỏng.

Jan von Gerich, chiến lược gia trưởng tại Nordea, cho biết: “Có vẻ như các thị trường đã bắt đầu đánh giá lại triển vọng chính sách tiền tệ.

Kết thúc phiên 1/3: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 107,13 điểm (-1,44%), xuống 7.351,12 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 449,22 điểm (-3,11%), xuống 14.011,80 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 219,80 điểm (-3,30%), xuống 6.439,03 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng, nhờ tâm lý thị trường được hỗ trợ bởi việc duy trì các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Nga và Ukraine.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, sau khi dữ liệu cho thấy chỉ số PMI sản xuất bất ngờ mở rộng trong tháng Hai nhờ các đơn đặt hàng mới tăng lên.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, khi sự biến động xung quanh xung đột Nga- Ukraine gây ra ảnh hưởng đến các thị trường trong tuần qua đã giảm bớt.

Chứng khoán Hàn Quốc nghỉ giao dịch ngày Độc lập.

Kết thúc phiên 1/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 317,90 điểm (+1,20%), lên 26.844,72 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 26,53 điểm (+0,77%), lên 3.488,83 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 48,69 điểm (+0,21%), lên 22.761,71 điểm.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Ba đã tăng vọt, khi tâm lý không chắc chắn được tạo ra xung quanh tình hình chiến sự Nga-Ukraine đã kích hoạt dòng tiền trú ẩn chảy mạnh vào kim loại quý này.

“Sự hỗn loạn do việc loại Nga khỏi SWIFT, các cuộc tấn công mạng, bất ổn định thị trường ngoại hối, sự thay đổi trong hệ thống tài chính và tiền tệ đã giúp vàng là một kho lưu trữ giá trị an toàn cho đến khi rõ ràng,”, Nicky Shiels - người đứng đầu bộ phận chiến lược kim loại tại MKS PAMP cho biết.

Kết thúc phiên 1/3, giá vàng giao ngay tăng 36,6 USD lên 1.945,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm hơn 5 USD xuống 1.938,3 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục biến động mạnh và có thời điểm đã vọt hơn 10% trong phiên thứ Ba, do lo ngại nguồn cung dầu thô từ Nga sẽ bị ảnh hưởng do các biện pháp trừng phạt của phương Tây, hoặc lo ngại Nga sẽ sử dụng dầu thô làm "vũ khí chính trị".

"Tình hình mong manh ở Ukraine và các lệnh trừng phạt tài chính và năng lượng chống lại Nga sẽ khiến cuộc khủng hoảng năng lượng tiếp tục bùng phát và giá dầu sẽ cao hơn 100 USD/thùng trong thời gian tới và thậm chí cao hơn nếu xung đột leo thang hơn nữa", Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu mỏ cấp cao từ Rystad Energy cho biết.

Kết thúc phiên 1/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 7,69 USD (+7,44%), lên 103,41 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,14 USD (-0,14%), xuống 100,85 USD/thùng.

Tin bài liên quan