Nga thảo luận dự án cung cấp khí đốt cho Trung Quốc qua Mông Cổ

0:00 / 0:00
0:00
Tuyến đường ống “Sức mạnh Siberia 2” dự kiến có thể vận chuyển mỗi năm 50 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên đến Trung Quốc qua Mông Cổ, thấp hơn một chút so với công suất của “Dòng chảy phương Bắc 1."
Trạm nén khí của một hệ thống đường ống dẫn khí ở Leningrad, Nga. (Ảnh: TASS/TTXVN)

Trạm nén khí của một hệ thống đường ống dẫn khí ở Leningrad, Nga. (Ảnh: TASS/TTXVN)

Tổng thống Vladimir Putin ngày 7/9 xác nhận Nga đang thảo luận một dự án mới về cơ sở hạ tầng quy mô lớn để vận chuyển khí đốt tới Trung Quốc qua Mông Cổ.

Thông tin trên được Tổng thống Putin đưa ra trong cuộc gặp Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrai Oyun-Erdene bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) tại thành phố Vladivostok.

Tổng thống Putin nêu rõ: “Hiện nay, chúng tôi đang đề cập tới khả năng triển khai một dự án cơ sở hạ tầng lớn - đó là cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Quốc thông qua lãnh thổ Mông Cổ."

Ngoài ra, Tổng thống Putin cũng tuyên bố Moskva và Ulaanbaatar đã nhất trí về mọi điều khoản liên quan hợp đồng cung cấp dầu mỏ cho Mông Cổ.

Từ nhiều năm qua, tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga đã nghiên cứu khả năng xây dựng đường ống “Sức mạnh Siberia 2” (Power of Siberia 2) - tuyến đường ống có khả năng hợp nhất các hệ thống vận chuyển khí đốt ở miền Đông và miền Tây nước Nga - để vận chuyển khí đốt đến Trung Quốc qua Mông Cổ.

“Sức mạnh Siberia 2” dự kiến có thể vận chuyển 50 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm, thấp hơn một chút so với công suất của đường ống “Dòng chảy phương Bắc 1” (Nord Stream 1) nối Nga với Đức qua biển Baltic.

Tuyến đường ống Sức mạnh Siberia hiện hành, chạy từ Nga sang Trung Quốc, được đưa vào vận hành từ cuối năm 2019 với công suất hàng năm lên đến 61 tỷ mét khối khí đốt.

Tuyến đường ống này được xác định là nguồn doanh thu chủ chốt của Nga trong những năm tới, bởi châu Âu đang cố gắng xoá bỏ sự phụ thuộc lịch sử vào khí đốt của Nga.

Tin bài liên quan