Nga tái gia nhập thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Tư (2/11), Nga cho biết, đang tái gia nhập thỏa thuận đảm bảo việc vận chuyển an toàn cho các tàu chở ngũ cốc quan trọng xuất khẩu từ Ukraine.
Một con tàu chở ngũ cốc chờ ra khơi từ cảng Odesa ở Ukraine.

Một con tàu chở ngũ cốc chờ ra khơi từ cảng Odesa ở Ukraine.

Đây là một động thái có thể giúp giảm bớt lo ngại về nguồn cung cấp lương thực toàn cầu đã dấy lên khi Moscow đình chỉ tham gia thoả thuận vào tuần trước.

Quyết định đảo ngược tiến trình và tái gia nhập thỏa thuận được Bộ Quốc phòng Nga công bố chỉ vài ngày sau khi Moscow viện dẫn các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào thành phố Sevastopol ở Crimea là lý do khiến Nga rút khỏi thỏa thuận.

Trong một tuyên bố đăng trên kênh Telegram chính thức của Nga, Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Liên bang Nga cho rằng các bảo đảm nhận được vào thời điểm hiện tại là đủ và tiếp tục thực hiện thỏa thuận”.

Thỏa thuận đưa ra một quy trình đảm bảo an toàn cho các tàu chở ngũ cốc, phân bón và thực phẩm khác của Ukraine đi qua một hành lang nhân đạo ở Biển Đen. Theo thỏa thuận, tất cả các tàu thuyền đến và đi từ các cảng của Ukraine đã được kiểm tra và giám sát bởi các đội quốc tế gồm các quan chức từ Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp quốc.

Linda Thomas-Greenfield, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc nói với CNN rằng bà "rất vui mừng" khi thỏa thuận được hồi sinh.

“Thỏa thuận đang cung cấp lương thực cần thiết cho thế giới, rõ ràng là Nga cuối cùng đã bị thuyết phục rằng họ cần tiếp tục điều này, họ không thể cản đường cả thế giới”, bà cho biết.

Ukraine đóng một vai trò quan trọng trong thị trường lương thực toàn cầu, vì vậy việc Nga rút khỏi thỏa thuận đã làm dấy lên những lo ngại lớn về nguồn cung lương thực toàn cầu vào thời điểm thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng đói nghèo ngày càng gia tăng.

Theo Liên Hợp quốc, Ukraine thường cung cấp cho thế giới khoảng 45 triệu tấn ngũ cốc mỗi năm. Nước này là một trong những nhà xuất khẩu lúa mạch, ngô và lúa mì hàng đầu thế giới. Cho đến nay, Ukraine cũng là nhà xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất, chiếm 46% lượng xuất khẩu của thế giới.

Trong thời gian bình thường, Ukraine sẽ xuất khẩu khoảng 3/4 lượng ngũ cốc mà nước này sản xuất. Theo dữ liệu từ Ủy ban châu Âu, khoảng 90% lượng hàng xuất khẩu này trước đây được vận chuyển bằng đường biển từ các cảng ở Biển Đen của Ukraine.

Nhưng khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu nổ ra vào cuối tháng 2/2022, Nga đã đặt các lệnh phong tỏa đối với các tàu rời cảng của Ukraine. Tác động của cuộc xung đột là tiêu cực tới thị trường lương thực toàn cầu, đặc biệt khi Ukraine là nhà cung cấp ngũ cốc chính cho Chương trình Lương thực Thế giới.

Trong khi đó, thỏa thuận Biển Đen cũng mang lại sự cứu trợ rất cần thiết. Liên Hợp quốc ước tính rằng việc giảm giá lương thực chủ yếu do thỏa thuận đã gián tiếp ngăn cản khoảng 100 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực.

Tin bài liên quan