Nga sắp vượt Ả Rập Xê út trở thành quốc gia dự trữ vàng và ngoại hối lớn thứ tư thế giới

Nga sắp vượt Ả Rập Xê út trở thành quốc gia dự trữ vàng và ngoại hối lớn thứ tư thế giới

(ĐTCK) Lần đầu tiên sau 8 năm, dự trữ vàng và ngoại hối của Nga có thể vượt quá dự trữ của Ả Rập Xê út, nguồn tin của Bloomberg cho biết.

Trong khi Ả Rập Xê út, quốc gia đứng thứ tư trên thế giới về lượng vàng dự trữ, đang dùng lượng vàng dự trữ để đáp ứng nhu cầu xã hội, thì Nga vẫn tiếp tục bổ sung thêm trong bối cảnh bị Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới. 

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong 4 năm qua, dự trữ vàng và ngoại hối của Nga đã tăng 45%, đạt mốc 518 tỷ USD vào tháng 6 năm nay. Ngược lại, quy mô dự trữ vàng và ngoại hối của Ả Rập Saudi năm 2015 đã vượt quá 600 tỷ USD, nhưng đến tháng 6/2019 chỉ còn lại 527 tỷ USD.

Bloomberg nhấn mạnh, Nga có cơ hội thay thế vị trí thứ tư của Ả Rập Xê út ề lượng vàng và ngoại hối dự trữ. Các nước xếp phía trên là Trung Quốc, quốc gia có lượng dự trữ lớn nhất thế giới, theo sau là Nhật Bản và Thụy Sĩ.

“Tổng thống Putin quyết tâm giảm thiểu rủi ro tái cấp vốn cho Nga, vì vậy ông tiếp tục duy trì chính sách tài khóa thận trọng”, ông Charles Robinson, nhà kinh tế học tại British Renaissance Capital cho biết.

Năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Nga đã mua vào 8,8 triệu ounce vàng, tăng lượng vàng dự trữ lên 67,9 triệu ounce. Cơ quan này cũng xác nhận rằng, riêng tổng trữ lượng vàng của Nga đã đạt 100,3 tỷ USD vào ngày 1/7/2019.

Mua vàng là một phần trong kế hoạch lâu dài của ông Putin. Dự trữ vàng giúp nâng tầm vị thế của Nga và làm suy yếu sức mạnh của Mỹ cùng Liên minh châu Âu.

Từ tháng 9/2012, Nga đã lặng lẽ thúc đẩy việc tăng lượng vàng dự trữ trong những kho bí mật của quốc gia này.

Trên thị trường thế giới, giá vàng sau khi đạt đỉnh hơn 1.500 USD/ounce đã điều chỉnh nhẹ trong phiên cuối tuần qua. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch đầu tuần mới (12/8),  giá vàng đã trở lại đà tăng lên lại ngưỡng trên 1.500 USD/ounce, mức cao nhất 6 năm. 

Giá vàng tăng chủ yếu do những căng thẳng chính trị giữa Mỹ – Iran và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Tin bài liên quan