Tổng thống Nga - Vladimir Putin trong một cuộc họp tại Moscow. Ảnh: Reuters

Tổng thống Nga - Vladimir Putin trong một cuộc họp tại Moscow. Ảnh: Reuters

Nga sắp hết tiền

Tiền đang chảy khỏi Nga với tốc độ báo động, khi sau gần 2 năm suy thoái, quỹ khẩn cấp của nước này chỉ còn 32,2 tỷ USD, Bộ Tài chính Nga cho biết.

Tháng 9/2014, ngay trước khi giá dầu bắt đầu lao dốc, con số này còn là 91,7 tỷ USD. Và mọi chuyện đang dần trở nên tệ hơn. Giới phân tích dự báo quỹ này sẽ chỉ còn 15 tỷ USD vào cuối năm và sẽ hết hoàn toàn sau thời điểm đó.

"Với tốc độ hiện tại, quỹ sẽ cạn kiệt vào giữa năm 2017, hoặc chỉ vài tháng nữa thôi", Ondrej Schneider - kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF) nhận xét.

Quỹ dự trữ của Chính phủ được lập ra để bù đắp thiếu hụt trong ngân sách quốc gia, tại những thời điểm doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt thấp. Ngân sách 2016 của Nga được thiết kế trên cơ sở giá dầu 50 USD một thùng. Tuy nhiên, giá dầu trung bình 8 tháng đầu năm chỉ chưa đầy 43 USD.

Vì thế, dầu mỏ hiện chỉ đóng góp 37% nguồn thu cho Chính phủ Nga, thấp hơn nhiều so với 50% cách đây 2 năm. Sự sụt giảm này có nghĩa họ sẽ phải liên tục dùng đến quỹ khẩn cấp. Chính phủ ám chỉ một khi quỹ này hết, họ có thể chuyển sang dùng quỹ phúc lợi. Quỹ này hiện có hơn 70 tỷ USD, để trả lương hưu và đầu tư vào các dự án quy mô lớn.

Hôm qua, Ngân hàng Trung ương Nga đã hạ lãi suất từ 10,5% xuống 10% nhằm kích thích nền kinh tế. Cơ quan này vẫn có 395 tỷ USD trong dự trữ quốc tế, giảm so với 524 tỷ USD hồi tháng 10/2013. Họ đã tiêu hơn 140 tỷ USD dự trữ ngoại hối trong năm 2014 và 2015 để giữ giá đồng rouble.

Tuy nhiên, chiến lược này không có mấy tác dụng, và Nga sau đó đã phải dần từ bỏ. Hồi tháng 1, đồng rouble xuống thấp kỷ lục, với 82 rouble đổi một USD. Kể từ đó, đồng tiền này đã hồi phục phần nào, lên 65 rouble đổi một USD.

Giá dầu lao dốc đúng thời điểm kinh tế Nga gặp khó vì các lệnh trừng phạt của phương Tây quanh cuộc khủng hoảng Ukraine. Các công ty chủ chốt của Nga bị cấm tiếp cận nguồn vốn châu Âu và cấm nhập khẩu nhiều thực phẩm. Còn quan chức thì bị phong tỏa tài sản ở nước ngoài.

Nga cũng trả đũa bằng cách cấm nhập khẩu thực phẩm phương Tây. Việc này không chỉ khiến nông dân châu Âu đau đầu, mà còn đẩy Nga vào thời kỳ lạm phát 2 chữ số.

Tin bài liên quan