Ngã rẽ của FPT ở tuổi 30
Một ngày trước sinh nhật lần thứ 29, Tập đoàn FPT (mã CK: FPT) đã ký thỏa thuận với nhà đầu tư chiến lược Synnex Technology International để chốt phương án thoái vốn tại FPT Trading xuống 48%. Trước đó không lâu, tập đoàn cũng thông qua phương án bán 30% vốn tại FPT Retail cho 2 quỹ đầu tư lớn là VinaCapital và Dragon Capital, lộ trình đến cuối năm sẽ giảm sở hữu xuống tối thiểu 45%.
Việc thoái vốn tại cả 2 công ty dự kiến sẽ hoàn tất ngay trong năm nay. Không chỉ ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến, việc thoái vốn cũng mở ra một thời kỳ mới cho FPT - bước vào tuổi 30, FPT từ một công ty có nguồn thu chính là bán buôn bán lẻ sẽ chuyển sang sang một công ty công nghệ thực sự, với nguồn thu chủ đạo từ phần mềm, dịch vụ công nghệ và viễn thông.
Tập đoàn thuần công nghệ
Được thành lập từ năm 1988, FPT ban đầu phát triển với trọng tâm tập trung vào lĩnh vực phần mềm, công nghệ và viễn thông.
Với đặc thù hoạt động, dù được biết đến là một tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam nhưng đến quá nửa trong tổng số doanh thu của FPT lại đến từ mảng phân phối, bán lẻ, khiến FPT bị xếp vào nhóm “bán buôn-bán lẻ”.
Tuy nhiên, việc thoái vốn khỏi mảng phân phối và bán lẻ mới đây dù làm doanh thu FPT giảm khi không còn hợp nhất với FPT Trading và FPT Retail, nhưng sẽ tạo bước ngoặt: FPT trở về hình ảnh một công ty công nghệ đúng nghĩa.
Theo đó, cấu trúc doanh thu của FPT sẽ có thay đổi đáng kể, khi 95% doanh thu của FPT giờ đây đến từ 2 khối viễn thông và công nghệ. Đây cũng là 2 mảng đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận lâu nay của FPT. Điều này đã đáp ứng kỳ vọng bấy lâu của các cổ đông, nhà đầu tư. Phần còn lại chủ yếu đến từ đóng góp của mảng giáo dục vốn gắn bó chặt chẽ với xuất khẩu phần mềm.
Tỷ suất lợi nhuận dự kiến sẽ tăng gấp đôi
Ảnh hưởng lớn nhất của FPT theo đánh giá của các Công ty chứng khoán là doanh thu của tập đoàn có thể sụt giảm đáng kể từ năm 2018, tuy nhiên yếu tố không thể bỏ qua là các chỉ số về hiệu quả kinh doanh của tập đoàn cũng tăng lên đáng kể nhờ phản ánh đúng bản chất của một doanh nghiệp công nghệ.
Bản thân lĩnh vực bán buôn – bán lẻ dù chiếm khoảng 60 - 70% tổng doanh thu hàng năm của FPT nhưng lợi nhuận chỉ chiếm khoảng 20% do đặc thù của lĩnh vực hoạt động này có biên lợi nhuận thấp. Năm 2016, mảng hoạt động này có biên lãi gộp chỉ khoảng 14%, trong khi con số này với mảng gia công phần mềm đạt 35,5% - gấp hơn 2 lần.
Đây cũng là lý do doanh thu mảng bán lẻ cao gấp đôi mảng gia công phần mềm nhưng lợi nhuận thu về thấp hơn gần 20%.
Trước thoái vốn, khối Công nghệ - Viễn thông chiếm 41% doanh thu nhưng mang về đến 76% lợi nhuận cho FPT.
Theo tính toán của các công ty chứng khoán, việc thoái vốn tại lĩnh vực có biên lợi nhuận thấp như phân phối – bán lẻ sẽ giúp tỷ suất lợi nhuận của FPT “thật” hơn, phản ánh đúng bản chất của một doanh nghiệp công nghệ.
Biểu đồ - Tỷ suất lợi nhuận trước thuế của FPT năm 2016
- Ghi chú: tỷ suất lợi nhuận không bao gồm mảng phân phối và bán lẻ (PP-BL) được tính dựa trên giả định FPT sẽ không hợp nhất toàn bộ doanh thu 2 mảng PP-BL, và hợp nhất lợi nhuận hai mảng này theo tỷ lệ sở hữu sau khi thoái vốn.
Kỳ vọng sự bứt phá
Ngay sau quyết định thoái vốn tại FPT Retail và FPT Trading của tập đoàn, một loạt các công ty chứng khoán đã ra báo cáo phân tích đánh giá triển vọng của FPT với dự báo tích cực.
Công ty chứng khoán Tp HCM (HSC) trong báo cáo mới công bố đã đưa ra khuyến nghị mua với cổ phiếu FPT với mức giá dự kiến đạt 60.000 đồng trong ngắn hạn và 65.000 đồng trong dài hạn, tương ứng tỷ suất sinh lời tăng là 25% và 35%.
Theo HSC, doanh thu của FPT có thể giảm 51% trong năm 2018 còn khoảng 1 tỷ USD, nhưng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế vẫn là con số dương. Động lực đến từ dự báo doanh thu và lợi nhuận mảng gia công phần mềm và dịch vụ viễn thông tăng trưởng trên 20%.
Biểu đồ doanh thu khối Công nghệ - Viễn thông FPT 2015-2016 và kế hoạch 2017 (Đơn vị: tỷ đồng)
Cũng đưa ra mức dự báo khá tương đồng với HSC, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng việc thoái vốn tại mảng phân phối và bán lẻ của FPT sẽ tạo động lực cho công ty tập trung phát triển sâu vào mảng công nghệ và viễn thông – đưa 2 lĩnh vực này trở thành động lực tăng trưởng mới.
VCSC dự báo thị trường Nhật Bản sẽ tiếp tục là nguồn tăng trưởng chính của mảng xuất khẩu phần mềm trong tương lai. Dự báo doanh thu từ thị trường này sẽ đạt tăng trưởng 30% trong năm 2017 nhờ FPT tiếp tục đầu tư vào nhân lực và khối lượng công việc tăng. Lĩnh vực này cũng dự kiến có mức tăng trưởng cao nhất với tỷ lệ gần 18%.
Với doanh thu, lợi nhuận được đóng góp chủ yếu từ các lĩnh vực công nghệ - viễn thông và các dự án công nghệ được đầu tư thích đáng, hình ảnh FPT - một tập đoàn công nghệ mang tầm quốc tế sẽ được định hình ngày càng rõ nét hơn trong con mắt nhà đầu tư và đối tác.