Giới đầu tư phố Wall lo sợ trước các biện pháp trừng phạt kinh tế qua lại nhau giữa phương Tây và Nga - Ảnh: Reuters

Giới đầu tư phố Wall lo sợ trước các biện pháp trừng phạt kinh tế qua lại nhau giữa phương Tây và Nga - Ảnh: Reuters

Nga ra đòn, chứng khoán Âu, Mỹ rơi rụng

(ĐTCK) Các biện pháp trả đũa trừng phạt kinh tế của Nga dành cho Mỹ và EU khiến giới đầu tư lo ngại sẽ ảnh hưởng đến sự hồi phục kinh tế toàn cầu, kéo chứng khoán Âu, Mỹ đồng loạt giảm điểm.
Phố Wall mở cửa phiên giao dịch thứ Năm khá tích cực nhờ báo cáo tỷ lệ thất nghiệp lạc quan. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp trung bình 4 tuần của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2006, cho thấy điều kiện thị trường lao động đang tiếp tục được cải thiện.

Tuy nhiên, những căng thẳng gia tăng giữa Nga - Ukraine và Nga với phương Tây khiến nhà đầu tư chứng khoán đồng loạt bán ra, đẩy các chỉ số giảm mạnh.

Như tin đã đưa, Chính phủ Nga đã chính thức đưa ra lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp từ Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và một số quốc gia khác nhằm trả đũa lại các biện pháp trừng phạt nước này.

Sau quyết định này của Nga, các nhà sản xuất sản phẩm nông nghiệp của Mỹ đã yêu cầu Washington nối lại quan hệ bình thường với Nga, còn các doanh nghiệp EU cũng lo ngại về những thiệt lại sau các biện pháp trừng phạt qua lại giữa Nga và EU. Các doanh nghiệp này cho biết, có khả năng khởi kiện EU về vấn đề này. Trong khi đó, EU cũng cho biết, sẽ khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) việc Nga áp dụng các biện pháp cản trở thương mại có động cơ chính trị.

Những biện pháp trừng phạt qua lại của Nga với phương Tây khiến giới đầu tư lo ngại sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Không chỉ thế, mối lo ngại về việc sẽ can thiệp quân sự với Ukraine cũng dần tăng lên khi NATO cho biết, Nga đã dồn 20.000 quân với đầy đủ tăng thiết giáp và chiến đấu cơ đến sát biên giới Ukraine.

Trong diễn biến mới, NATO cam kết giúp đỡ Kiev nếu Nga đổ quân vào Ukraine. Trong khi đó, Mỹ đã điều một chiến hạm tới biển Đen.

Kết thúc phiên 7/8, chỉ số Dow Jones giảm 75,07 điểm (-0,46%), xuống 16.368,27 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 10,67 điểm (-0,56%), xuống 1.909,57 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 20,08 điểm (-0,46%), xuống 4.334,97 điểm.

Cũng giống như chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt lao dốc cuối phiên, sau những thông tin về các biện pháp trừng phạt kinh tế của Nga được công bố nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU.

Kết thúc phiên 7/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 38,79 điểm (-0,58%), xuống 6.597,37 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 91,07 điểm (-1,00%), xuống 9.038,97 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 57,31 điểm (-1,36%), xuống 4.149,83 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi các thị trường khác chịu tác động từ căng thẳng địa chính trị nên giảm mạnh, thì chứng khoán Nhật Bản lại phục hồi trở lại sau 5 phiên giảm liên tiếp khi thông tin Quỹ đầu tư hưu trí của Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào cổ phiếu được đăng tải.

Kết thúc phiên 7/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 72,58 điểm (+0,48%), lên 15.232,37 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 196,57 điểm (-0,80%), xuống 24.387,56 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 29,80 điểm (-1,34%), xuống 2.187,67 điểm.

Dĩ nhiên, những căng thẳng địa chính trị càng gia tăng thì vàng càng được hưởng lợi. Sau khi tăng vọt hơn 1,3% trong phiên 6/8, giá kim loại quý này lại tiếp tục tăng mạnh trong phiên 7/8, vượt qua mốc 1.310 USD/ounce.

Kết thúc phiên 7/8, giá vàng giao ngay tăng 7,1 USD (+0,54%), lên 1.313,00 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 5,8 USD (+0,44%), lên 1.312,5 USD/ounce.

Cuộc xung đột tại Iraq và Lybia gia tăng đã hỗ trợ cho giá dầu tăng trở lại sau chuỗi ngày giảm mạnh do lo ngại về nhu cầu thấp và kho dự trữ của Mỹ giảm thấp hơn dự kiến. Cuộc xung đột tại Iraq đang lan rộng và có khả năng Mỹ sẽ can thiệp bằng các cuộc không kích cùng với Pháp sau 3 năm rút quân khỏi quốc gia vùng vịnh này.

Kết thúc phiên 7/8, giá dầu thô Mỹ tăng 0,42 USD (+0,43%), lên 97,34 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,85 USD (+0,81%), lên 105,44 USD/thùng.

Tin bài liên quan