Ảnh: AP.

Ảnh: AP.

Nga nghi ngờ có âm mưu sau chuyện giá dầu về mức âm, người bán phải trả tiền người mua

(ĐTCK) Lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu thô WTI giảm xuống mức âm. Nhu cầu "vàng đen" sụp đổ do đại dịch và chẳng mấy chốc các nguyên liệu thô sẽ không còn đủ chỗ chứa. 

Thoả thuận mới của OPEC+: Tầm thường và muộn màng

Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/4 tại Sàn giao dịch hàng hóa New York (NYMEX), giá dầu WTI giao tháng 5 đứng ở mức âm 37,63 USD/thùng, giảm hơn 300% so với phiên trước đó.

Giá dầu âm đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất đang phải trả tiền cho người mua để họ mua dầu, lần đầu tiên kể từ khi các hợp đồng dầu tương lai bắt đầu được giao dịch trên sàn năm 1983.

Nga nghi ngờ có âm mưu sau chuyện giá dầu về mức âm, người bán phải trả tiền người mua ảnh 1

Rõ ràng, việc giá dầu giảm mạnh là do sự sụt giảm mạnh nhu cầu trên thị trường trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát. Thế giới đang tràn ngập trong dầu và không đủ kho chứa lưu trữ.

Ngay cả khi đã đạt được sự đồng thuận và tuần trước, thỏa thuận OPEC+ cũng không giúp tránh được sự sụp đổ. Con số 9,7 triệu thùng/ngày là không đủ để cứu thị trường. Báo cáo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, nhu cầu trên thị trường dầu mỏ trong tháng Tư giảm tới 29 triệu thùng/ngày, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1995.

“Giả định rằng các hạn chế đi lại sẽ được dỡ bỏ trong nửa cuối năm 2020, nhu cầu dầu của thế giới vào năm 2020 cũng sẽ giảm 9,3 triệu thùng/ngày so với năm 2019, chấm dứt chuỗi tăng trưởng gần mười năm”, báo cáo của IEA viết.

“Thỏa thuận mới của OPEC + là "quá tầm thường và muộn màng" để tạo ra sự khác biệt. Ở mức giá hiện tại, rất ít nhà sản xuất có hiệu quả chi phí”, Goldman Sachs tuyên bố.

Theo dự báo của Pickering, đối tác năng lượng của Mỹ, gần 40% các công ty dầu khí của Mỹ trong năm nay sẽ đứng bên bờ vực phá sản.

Tác động ngắn hạn

Trước tình hình trên thị trường, Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo ngày thứ Hai (20/4) ở Nhà Trắng, tuyên bố, giá dầu WTI sụt giảm là một hiện tượng nhất thời, chủ yếu là do áp lực tài chính. 

Trong khi đó, hãng tin RT dẫn lời nhà kinh tế học Mikhail Khazin, nhận định, tình hình bất ổn trong thị trường dầu mỏ có liên quan đến sự hoảng loạn toàn cầu.

“Kể từ khi chúng ta bước vào thời kỳ suy thoái kinh tế, giá dầu sẽ thấp hơn so với mười năm trước. Nhưng rất nhiều câu hỏi không có câu trả lời. Với sự hoảng loạn trên toàn cầu như hiện tại, nói về giá cả là khá vô nghĩa. Khi tâm lý hoảng loạn kết thúc, tôi cho rằng sẽ đến vào cuối tháng 5 - đầu tháng 6, chúng ta có thể nói về giá cả dài hạn”, ông Khazin nói.

Trong khi đó, đại diện của Bộ Dầu mỏ Iraq Asem Jihad, giải thích, giá dầu WTI giảm xuống mức âm là hoàn toàn tự nhiên do dịch bệnh đã dẫn đến tình trạng trì trệ trên thị trường, quá tải các cửa hàng dầu và cung quá cầu.

“Các yếu tố quan trọng nhất gây ra sự sụp đổ của giá dầu là lệnh hạn chế của các chuyến bay chở khách và các chuyến bay công nghiệp, thiếu nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu dẫn đến nguồn cung thừa thãi”, RIA Novosti dẫn lời ông Jihad cho biết.

Theo ông Jihad, khi thế giới quay trở lại cuộc sống bình thường, sẽ có nhiều tác động tích cực đến mức tiêu thụ dầu và giá cả.

Cơ hội hiếm có

Wall Street Journal dẫn lời chuyên gia kinh tế tại Kpler Inc., một công ty có trụ sở tại New York chuyên phát triển các công cụ theo dõi thông tin thị trường cho các công ty dầu khí, cho rằng, sự sụp đổ của giá dầu WTI tạo ra một cơ hội hiếm có cho các thương nhân để lấp đầy các tàu chở dầu bằng dầu thô và chờ đợi cuối năm nay, dầu sẽ tăng mạnh trở lại theo nhu cầu của thị trường.

"Bạn có thể kiếm tiền cực tốt nếu bạn tìm thấy một kho lưu trữ vào thời điểm này", chuyên gia nói với Wall Street Journal.

Vấn đề của các công ty khai thác dầu mỏ đang là một cơ hội hiếm có cho các thương nhân tham gia lấp đầy tàu chở dầu thô và gửi chúng trôi dạt, Wall Street Journal viết. 

Chuyên gia cho rằng, tính toán dựa trên thực tế, đại dịch Covid-19 dần dần tự biến mất, trong khi nhu cầu về dầu sẽ tăng vọt và giá dầu cũng sẽ tăng vọt theo vào cuối năm nay.

Âm mưu

Cựu Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên bang Nga cũng đưa ra những bình luận của mình trước tình hình bất ổn trên thị trường dầu mỏ.

Ông Medvedev đặt ra những nghi ngờ về một thoả thuận ngầm đằng sau sự sụp đổ chưa từng có của giá dầu WTI.

“Những gì chúng tôi quan sát thấy trên thị trường dầu mỏ gợi nhớ đến một cartel (thỏa thuận của một nhóm các tổ chức làm giảm cạnh tranh nhằm đạt được lợi ích thương mại – PV)”, ông Medvedev viết trên trang VK cá nhân (mạng xã hội của Nga).

“Dựa trên kinh nghiệm của chúng tôi trong lĩnh vực dầu khí, chúng tôi đề nghị bán dầu theo cơ chế hợp đồng mua hoặc trả. Chúng tôi sẵn sàng thảo luận phương án này với các đối tác”, ông Medvedev tuyên bố.

Tin bài liên quan