Nga đề nghị giúp Ấn Độ các tàu chở dầu lớn để tránh các quy định về trần giá của EU

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nga đã đề nghị giúp Ấn Độ trong việc cho thuê và đóng tàu chở dầu lớn để vượt qua cơ chế trần giá của G7 lên dầu thô của Nga, khi nước này tìm kiếm người mua để thay thế thị trường châu Âu.
Nga đề nghị giúp Ấn Độ các tàu chở dầu lớn để tránh các quy định về trần giá của EU

Theo quy tắc trần giá, G7 và các đồng minh sẽ không cho phép các tàu chở dầu của Nga tiếp cận các dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm của G7 trừ khi Nga bán dầu thô ở mức bằng hoặc thấp hơn 60 USD/thùng. Cơ chế này đã gây khó khăn hơn cho các chủ hàng trong việc vận chuyển dầu thô trên toàn cầu.

Tại một cuộc họp ngày 9/12, Phó thủ tướng Nga, Alexander Novak đã hoan nghênh quyết định của Ấn Độ trong việc không tuân theo mức giá trần và đưa ra lời đề nghị giúp đỡ cho Đại sứ Ấn Độ tại Nga, Pavan Kapoor.

"Để không phụ thuộc vào lệnh cấm dịch vụ bảo hiểm và cho thuê tàu chở dầu ở Liên minh châu Âu và Anh, Phó Thủ tướng đã đề nghị Ấn Độ hợp tác trong việc cho thuê và đóng tàu công suất lớn", Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố.

Ấn Độ hiện là khách hàng mua dầu chính của Nga sau khi được hưởng chiết khấu hơn và đã phản đối cơ chế trần giá chính thức được áp dụng vào ngày 5/12 nhằm hạn chế giá vận chuyển dầu thô của Nga ở mức tối đa 60 USD/thùng.

"Việc đưa ra mức giá trần đối với dầu của Nga là một biện pháp phản thị trường. Điều này làm gián đoạn chuỗi cung ứng và có thể làm phức tạp đáng kể tình hình trên thị trường năng lượng toàn cầu", Phó thủ tướng Nga, Alexander Novak cho biết.

"Các cơ chế phi thị trường như vậy phá vỡ toàn bộ hệ thống thương mại quốc tế và tạo tiền lệ nguy hiểm trong thị trường năng lượng. Kết quả là, vấn đề nghèo năng lượng đang trở nên trầm trọng hơn không chỉ ở các nước đang phát triển mà còn ở các nước phát triển của châu Âu", ông cho biết thêm.

Không còn thị trường xuất khẩu dầu lớn nhất là châu Âu, Nga đã chuyển hướng sang châu Á, và họ đã vận chuyển một lượng dầu thô kỷ lục đến Ấn Độ và Trung Quốc. Theo Bộ Ngoại giao Nga, Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu lớn thứ hai của Ấn Độ vào mùa hè này.

Nhưng một điểm khó khăn là tình trạng thiếu tàu để có thể vận chuyển một lượng lớn dầu trên các chuyến đi hiện mất vài tuần để đến đích, điều này đã góp phần đẩy giá cước vận tải lên cao.

Các nhà phân tích tại ngân hàng trung ương Nga đã cảnh báo rằng, Nga sẽ đón nhận "những cú sốc kinh tế mới" do cơ chế trần giá và lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của nước này bằng đường biển. Hai biện pháp có thể làm giảm đáng kể hoạt động kinh tế trong những tháng tới.

Theo hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti, phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov cho biết, Moscow đã tố cáo phương Tây hạn chế giá xuất khẩu dầu mỏ và vẫn đang tìm cách đáp trả các hạn chế này.

Nga đang xem xét một số lựa chọn để chống lại mức giá trần, bao gồm cấm bán dầu cho một số quốc gia nhất định và đặt mức chiết khấu giá tối đa cho dầu thô Urals so với dầu Brent.

Tin bài liên quan