Ngân hàng Trung ương Nga đã bán ra 1,5 tỷ USD hôm 8/10, theo dữ liệu được công bố trên website của Ngân hàng hôm nay. Đây là khối lượng bán ra trong một ngày lớn nhất kể từ khi ngân hàng này can thiệp bằng 4,41 tỷ USD hồi tháng 3, trước cuộc trưng cần dân ý của bán đảo Crimea về việc gia nhập Nga.
Theo tìm hiểu của Bloomberg, cơ quan tiền tệ Nga đã móc từ kho dự trữ của mình ra 1 tỷ USD khác, hoặc có thể hơn thế, vào ngày hôm qua, 9/10, để hỗ trợ đồng rúp.
Đồng tiền của nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới này đã mất giá nhanh nhất quả đất kể từ tháng 6, khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU gây khó khăn cho các công ty nước này trong việc tái tài trợ gần 55 tỷ USD tiền nợ sẽ đáo hạn vào tháng 12 tới. Cuộc khủng hoảng tiền tệ này đã đẩy mức phí hoán đổi từ đồng rúp sang USD lên mức cao kỷ lục. Đồng tiền Nga cũng chịu áp lực từ việc giá dầu Brent sụt giảm xuống mức thấp trong vòng 4 năm và tỷ lệ đặt cược vào việc tăng lãi suất đã đạt mức đỉnh của năm 2011.
“Đồng rúp sẽ tiếp tục yếu đi”, Vladimir Miklashevsky, một chiến lược gia của Danske Bank A/S ở Helsinki, viết qua email. “Ngân hàng Trung ương sẽ không ngăn đồng tiền của mình giảm giá nếu tốc độ giảm đủ từ từ”.
Ngân hàng Trung ương Nga đã sử dụng tổng cộng 3,35 tỷ USD để bảo về đồng rúp kể từ tháng 9, theo dự liệu của cơ quan này, chưa bao gồm con số can thiệp (có thể có) của ngày hôm qua và hôm nay. Ngân hàng Trung ương cho biết, Ngân hàng đã tăng giới hạn trên của biên độ giao dịch so với rổ USD-EUR thêm 15 cô-pếch lên 45 cô-pếch trong ngày hôm qua.
Giá dầu thô Brent đã giảm còn 90 USD/thúng lần đầu tiên trong vòng 2 năm qua, khiến triển vọng thu ngân sách của Nga trở nên ảm đạm. Doanh thu từ xuất khẩu dầu và khí vốn đóng góp khoảng 1 nửa cho ngân sách nước này. Giá dầu giảm cũng đặt áp lực lên dự trữ ngoại hối của Nga, đã giảm 57 tỷ USD trong năm nay xuống còn 474,7 tỷ USD hôm 3/10.