Nga công nhận độc lập cho 2 vùng ly khai ở Ukraine, chứng khoán rung chuyển

Nga công nhận độc lập cho 2 vùng ly khai ở Ukraine, chứng khoán rung chuyển

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tưởng chừng như căng thẳng xung quanh Ukraine sẽ hạ nhiệt nhờ kỳ vọng vào một cuộc họp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga, nhưng kế hoạch đổ bể và thông tin nhiễu loạn từ biên giới Nga-Ukraine, cũng như sắc lệnh công nhận độc lập cho hai vùng ly khai của ông Putin đã khiến thị trường tài chính tiếp tục chao đảo.

Phố Wall nghỉ giao dịch trong phiên ngày thứ Hai (21/2) nhân dịp ngày Tổng thống.

Tuy nhiên, các chỉ số tương lai đã rơi mạnh vào sáng nay theo giờ Việt Nam, với Dow Jones giảm khoảng 1,5%, S&P 500 giảm 2,5% và Nasdaq giảm 3,75%, không lâu sau khi nhận tin Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông đã phê duyệt sắc lệnh công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine sau đó đã ra lệnh cho các lực lượng quân đội tiến vào hai vùng đất này.

Động thái công nhận các vùng lãnh thổ ly khai ở miền đông Ukraine là độc lập dường như là bước mở đầu cho một chiến dịch quân sự tiềm năng lớn hơn nhắm vào Ukraine, gần một chục quan chức Mỹ và phương Tây trả lời phóng vấn của CNN.

Chứng khoán châu Âu giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng vào phiên đêm qua trong ngày thứ Hai (21/2), với cổ phiếu ô tô và công nghệ dẫn đầu mức giảm, sau khi bình luận từ Điện Kremlin dập tắt hy vọng về một giải pháp cho cuộc khủng hoảng quân sự lớn nhất châu Âu trong nhiều thập kỷ.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 1,3% xuống 454,81 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái, do liên quan đến xung đột Nga-Ukraine.

Trong đó, chỉ số phụ ngành công nghệ giảm 2,6% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021 và đánh dấu phiên giảm thứ tư liên tiếp. Ngành này, cùng với điểm chuẩn STOXX 600 đã trải qua bảy trong tám tuần mất điểm trong năm 2022.

Tin tức tiêu cực tiếp diễn, sau khi Điện Kremlin cho biết không có kế hoạch cụ thể nào cho cuộc gặp thượng đỉnh về Ukraine giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden, kể cả sau khi Tổng thống Pháp cho biết hai nhà lãnh đạo đã đồng ý về mặt nguyên tắc.

Hôm nay là một ngày xấu đối với thị trường tài chính do những thông tin nhiễu loạn từ các bên. Theo đó, Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) tuyên bố đạn pháo từ lãnh thổ Ukraine đã phá hủy một chốt biên phòng của Nga ở vùng Rostov, cách biên giới Ukraine chỉ 150 km, theo Interfax.

Sau tuyên bố của Nga, quân đội Ukraine phủ nhận pháo kích vào chốt biên phòng ở vùng Rostov, cũng như gọi đây là “tin giả”.

Cùng ngày, quân đội Nga thông báo "diệt thám báo và xe thiết giáp Ukraine" xâm nhập tỉnh miền tây Rostov, trong khi Ukraine bác bỏ thông tin.

Ông Putin trong một cuộc họp bất thường hôm nay cũng cho biết, ông sẽ quyết định trong vòng vài giờ tới theo yêu cầu của hai khu vực miền đông Ukraine do phe ly khai được Nga hậu thuẫn đang kiểm soát phải được công nhận độc lập.

Raffi Boyadjian, nhà phân tích đầu tư hàng đầu tại công ty môi giới XM cho biết: "Những diễn biến mới nhất cho thấy chuyến tàu lượn siêu tốc của thị trường còn lâu mới kết thúc, vì cuộc khủng hoảng Ukraine đã nổ ra vào thời điểm giới đầu tư cũng đang vật lộn với việc thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn thế giới trong bối cảnh lạm phát tăng cao".

Kết thúc phiên 21/2: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 29,29 điểm (-0,39%), xuống 7.484,33 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 311,39 điểm (-2,07%), xuống 14.731,12 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 141,29 điểm (-2,04%), xuống 6.788,34 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm phiên thứ ba liên tiếp, do lo ngại kéo dài về một cuộc tấn công quân sự đầy tiềm năng của Nga vào Ukraine.

Chỉ số bluechip của chứng khoán Trung Quốc giảm, khi cổ phiếu tài chính và cơ sở hạ tầng đi xuống, sau khi Trung Quốc giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi cổ phiếu của các tên tuổi công nghệ lớn tiếp tục đi xuống gây ảnh hưởng.

Chứng khoán Hàn Quốc thu hẹp đáng kể đà giảm về cuối phiên, nhờ hy vọng giảm bớt căng thẳng trong mối quan hệ Nga-Ukraine.

Kết thúc phiên 21/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 211,20 điểm (-0,78%), xuống 26.910,87 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,15 điểm (-0,00%), xuống 3.490,61 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 157,64 điểm (-0,65%), xuống 24.170,07 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 0,72 điểm (-0,03%), xuống 2.743,80 điểm.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Hai chỉ nhích hơn 4 USD và giao dịch chưa thể phản ánh thông tin mới xung quanh Nga-Ukraine, do thị trường lớn nhất là Mỹ nghỉ giao dịch. Nhưng hợp đồng tương lai đã phản ánh, khi tăng vọt thêm gần 11 USD/ounce.

Kết thúc phiên 21/2, giá vàng giao ngay tăng 4 lên 1.903,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng gần 11 USD lên 1.910,7 USD/ounce.

Giá dầu Brent sáng nay có thời điểm tăng 4% lên mức cao nhất từ tháng 9/2014 tại hơn 97,3 USD/thùng. Còn dầu Mỹ WTI tăng 3,4% lên 94,2 USD/thùng, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận độc lập của hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk tại miền đông Ukraine và yêu cầu quân đội Nga điều lực lượng gìn giữ hòa bình đến đây.

Liên minh châu Âu (EU) trước đó đã cảnh báo sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt nếu các khu vực này được công nhận là độc lập. Như vậy, những lo ngại về gián đoạn nguồn cung dầu sẽ ngày một lớn dần.

Tin bài liên quan