“Chúng tôi đã sẵn sàng cắt giảm một phần sản lượng vào đầu năm tới”, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Rossiya-24, đồng thời cho biết thêm, khối lượng này tương đương khoảng 5 - 6% sản lượng dầu mà Nga hiện đang bơm ra thị trường.
“Chúng tôi sẽ cố gắng tìm một số điểm chung với các đối tác của mình để ngăn chặn những rủi ro như vậy. Nhưng ngay bây giờ, chúng tôi thà chấp nhận rủi ro cắt giảm sản lượng hơn là tuân theo chính sách bán hàng theo trần giá”, ông cho biết.
Trong khi ông mô tả sản lượng giảm tiềm năng là "không đáng kể", thì việc cắt giảm với quy mô đó vẫn có thể thắt chặt thị trường dầu mỏ toàn cầu vào thời điểm mà nhiều nhà phân tích dự đoán nhu cầu dầu ở Trung Quốc sẽ phục hồi.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Nga đã nhắc lại rằng Nga sẽ không bán dầu thô của mình cho người mua và các quốc gia tuân theo mức giá trần của phương Tây. Ông cho biết, các nhà sản xuất Nga có thể chuyển hướng xuất khẩu của họ sang các thị trường cạnh tranh, bao gồm cả châu Á vì nhu cầu dầu của Nga vẫn ở mức cao trên toàn cầu.
Hôm thứ Năm (22/12), Tổng thống Vladimir Putin cho biết rằng, ông sẽ ký một sắc lệnh về phản ứng của quốc gia đối với mức trần giá vào ngày 26/12 hoặc 27/12.
Theo Phó Thủ tướng Nga, sản lượng dầu cả năm của Nga trong năm nay có thể sẽ tăng lên 535 triệu tấn, tương đương với khoảng 10,74 triệu thùng/ngày. Theo dữ liệu ngành của Bloomberg, sản lượng trung bình hàng ngày của Nga trong tháng 11 đạt mức cao nhất trong 8 tháng là 10,9 triệu thùng/ngày.
G7 và Liên minh châu Âu đã đặt trần giá dầu ở mức 60 USD/thùng đối với nguồn cung dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga bắt đầu vào ngày 5/12. Động thái này và lệnh cấm EU nhập khẩu dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga được thiết kế để hạn chế nguồn thu từ dầu mỏ của Nga.
Các lô hàng dầu của Nga được giao dịch trên mức trần giá sẽ không thể tiếp cận một số dịch vụ chính từ các công ty phương Tây, bao gồm cả bảo hiểm.
Mức giá thị trường đối với dầu thô Urals của Nga hiện đang ở dưới mức trần. Tuy nhiên, trong tuần đầu tiên sau lệnh cấm của EU, xuất khẩu đường biển của Nga đã giảm 54% xuống còn 1,6 triệu thùng/ngày.
Theo những người quen thuộc với các cuộc thảo luận của Nga, nước này sẽ theo dõi thị trường dầu mỏ trong quý I/2023 để xem tác động của mức trần giá trước khi quyết định có thực hiện các biện pháp trả đũa tiếp theo hay không, chẳng hạn như đề xuất mức giá sàn.