Trả lời phỏng vấn CNN, giới chức Nga cho biết, họ đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục để có thể cấp phép cho vắc xin Covid-19 vào ngày 10/8 hoặc sớm hơn. Đây là loại vắc xin được sáng chế bởi Gamaleya Institute có trụ sở tại Moscow.
Nếu được chấp thuận, loại vắc xin này sẽ được sử dụng trong cộng đồng, mà đối tượng đầu tiên là đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch.
Kirill Dmitriev, người đứng đầu quỹ lợi ích quốc gia, đơn vị đang hỗ trợ tài chính cho việc nghiên cứu vắc xin tại Nga cho biết, nước Nga sẽ là quốc gia đầu tiên sở hữu vắc xin Covid -19.
“Đó là thời khắc Sputnik. Người Mỹ đã từng bất ngờ khi nghe về sự kiện này. Và diễn biến tương tự cũng sẽ xảy ra khi vắc xin xuất hiện”, Kirill Dmitriev chia sẻ trong sự so sánh với thời khắc Sputnik – Liên bang Xô viết phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên toàn cầu vào năm 1957.
Cho tới nay, Nga chưa công bố các số liệu khoa học liên quan tới quá trình thử nghiệm vắc xin, cũng như những tuyên bố về tính an toàn và hiệu quả.
Hiện tại, có hàng tá các dự án thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên toàn cầu đang được thực hiện và chỉ một số nhỏ đang tiến hành thử nghiệm ở quy mô lớn. Đa phần các nhà phát triển dự án tỏ ra cẩn trọng với công việc đang tiến hành, nhất là trước khi vắc xin được cấp phép.
Một số dự án đã ở giai đoạn 3, trong khi vắc xin của Nga đang trong giai đoạn 2 và dự kiến hoàn thành vào ngày 3/8. Giai đoạn 3 sẽ tiến hành thử nghiệm song song với việc tiêm chủng cho các nhân viên y tế. Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết, các binh sĩ đang trong quân ngũ cũng tình nguyện tham gia vào quá trình thử nghiệm.
Thậm chí, trả lời CNN, Alexander Ginsburg, giám đốc dự án vắc xin của Gamaleya Institute cho biết, ông đã tự sử dụng loại vắc xin này cho bản thân mình. Hiện tại, nước Nga có hơn 800.000 ca nhiễm bệnh được xác nhận.
Trong khi đó, Moderna, dự án sáng giá được hậu thuẫn bởi chính phủ Mỹ vừa công bố đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm thứ ba.