Phụ thuộc nặng vào dầu mỏ
Theo kết quả thăm dò mới công bố của Pew Research, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang phải đối mặt với một số vấn đề nội địa rất khó giải quyết, trong đó có vấn đề năng lượng. Mặc dù tỷ lệ ủng hộ đối với ông chủ Điện Kremlin vẫn ở mức cao, song hồ sơ tín nhiệm về chính sách năng lượng và kinh tế đã sụt giảm tới hai con số trong vòng 2 năm qua.
Win Thin, người đứng đầu Trung tâm chiến lược các thị trường đang nổi tại Brown Brothers Harriman nhận định: “Bất chấp những cam kết đa dạng hóa nền kinh tế trong nhiều năm qua, Nga vẫn phụ thuộc nặng vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Các mặt hàng này ước tính chiếm tới 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga”.
Dữ liệu của Pew Research cũng chỉ ra rằng, kinh tế Nga chỉ tăng trưởng nhẹ 0,5% trong quý I/2017, ngay cả khi quốc gia này xử lý tương đối ổn thỏa những rào cản địa chính trị tại Syria và hợp tác chặt chẽ với OPEC để chặn đà xuống giá của dầu thô.
Tuần qua, Tổng thống Putin khẳng định suy thoái kinh tế Nga đã chấm dứt bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây tác động không nhỏ tới nền kinh tế nước này. “Nước Nga đã bước vào giai đoạn tăng trưởng mới”, ông Putin nói.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế lưu ý rằng, sự nhạy cảm của “xứ sở bạch dương” trước bất kỳ đợt biến động giá dầu mỏ nào vẫn là nhân tố khiến Nga không dễ để thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Trong báo cáo công bố hồi tháng 5/2017, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chỉ ra rằng, triển vọng tăng trưởng của nước Nga vẫn hết sức nhạy cảm với giá dầu và những nỗ lực cải cách nền kinh tế là không hề dễ dàng.
“Bất chấp những nỗ lực chính sách nhằm giảm mức độ nhạy cảm dầu mỏ, sự biến động về giá vẫn sẽ ảnh hưởng tới niềm tin của người tiêu dùng và các nhà sản xuất dầu mỏ của Nga”, báo cáo của WB cho biết.
Đa dạng hóa không dễ
Không giống như Ả Rập Xê út, quá trình đa dạng hóa nền kinh tế để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga đang vấp phải những rào cản về cấu trúc tăng trưởng. Trong số 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga thì có đến 8 mặt hàng có liên quan tới các loại hàng hóa. Điều này cho thấy, Nga quá phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, nhiều nhà phân tích dự đoán kinh tế Nga khó có thể tăng trưởng vượt ngưỡng 1% trong năm nay.
Nhiều nền kinh tế đang phát triển khác cũng có thể hạ giá đồng nội tệ của mình để kích thích xuất khẩu khi nền kinh tế có dấu hiệu trượt dốc, song với trường hợp của Nga, đồng ruble chưa chứng minh được tính khả dụng như một “van điều tiết” trong trường hợp cần phòng vệ. Trong phiên giao dịch tuần qua, đồng ruble có lúc giảm giá xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016. Ngoài ra, lãi suất cơ bản vẫn ở mức tương đối cao cũng là một trở ngại đối với đồng nội tệ của Nga.
Giám đốc điều hành Quỹ các thị trường đang nổi 4CAST-RGE, Rachel Ziemba nhận định: “Giá dầu thấp, nợ nước ngoài cao cần thanh toán và những can thiệp sâu hơn của Bộ Tài chính Nga trên thị trường ngoại hối là những điều mà giới đầu tư cần thận trọng quan sát đối với nền kinh tế Nga”.
Bà Rachel dự báo đồng ruble có thể tiếp tục suy yếu trong phần còn lại của năm và nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương Nga sẽ lại phải hạ lãi suất hơn nữa trong năm 2018.
Một số nhà phân tích khác thì cho rằng, những cải cách cấu trúc của Nga hiện vẫn nằm trong những lĩnh vực như quản trị, chính sách thị trường lao động, đổi mới sáng tạo và cơ sở hạ tầng. Điều đáng quan ngại là chiến lược chính của Nga hiện vẫn chỉ là tăng thuế và cắt giảm chi tiêu công, vốn chỉ là giải pháp trong ngắn hạn, không đảm bảo duy trì tăng trưởng trong dài hạn.
Vì vậy, không ít quan điểm cho rằng, dù nước Nga đã có sự phục hồi đáng ghi nhận sau giai đoạn suy giảm kinh tế, song triển vọng dài hạn tăng trưởng bền vững vẫn là một bài toán hóc búa và trước hết, Nga phải tìm được câu trả lời cho việc giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ.