“Rõ ràng là việc từ chối dầu của Nga sẽ dẫn đến những hậu quả thảm khốc đối với thị trường toàn cầu”, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết hôm thứ Hai (7/3) trong một bài phát biểu trên truyền hình nhà nước.
“Việc tăng giá sẽ không thể đoán trước được. Nó sẽ là 300 USD/thùng nếu không muốn nói là hơn”, ông cho biết.
Liên hợp quốc (UN) cho biết, 1,7 triệu người tị nạn đã rời Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2 và mô tả đây là "cuộc khủng hoảng người tị nạn gia tăng nhanh nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai."
Mỹ vừa chính thức áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Tuy nhiên, Đức, Hà Lan và Anh dường như đã quay lưng lại với lệnh cấm vận có phối hợp của phương Tây đối với nhập khẩu năng lượng của Nga.
Các nhà phân tích năng lượng đã cảnh báo rằng, lệnh cấm nhập khẩu đối với dầu và khí đốt của Nga sẽ có tác động địa chấn đối với thị trường năng lượng và nền kinh tế thế giới.
Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Ả Rập Xê Út, đồng thời là nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới sang các thị trường toàn cầu. Nga cũng là một nhà sản xuất và xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn.
Liên minh châu Âu nhận được khoảng 40% lượng khí đốt của mình thông qua các đường ống của Nga, một số trong số đó chạy qua Ukraine.
“Các chính trị gia châu Âu cần phải trung thực cảnh báo công dân và người tiêu dùng của họ những gì sẽ xảy ra. Nếu muốn từ chối nguồn cung cấp năng lượng từ Nga, hãy tiếp tục. Chúng tôi đã sẵn sàng cho điều đó. Chúng tôi biết nơi chúng tôi có thể chuyển hướng các thùng dầu của mình”, ông cho biết.
Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong 14 năm vào ngày 7/3 khi những người tham gia thị trường năng lượng tập trung vào triển vọng trừng phạt đầy đủ đối với xuất khẩu năng lượng của Nga.
Các nhà hoạch định chính sách châu Âu đang chịu áp lực rất lớn trong việc chấm dứt nhanh chóng sự phụ thuộc của họ vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Trên thực tế, doanh thu từ dầu và khí đốt của Nga được xem là chiếm khoảng 43% ngân sách liên bang của Điện Kremlin từ năm 2011 đến năm 2020, cho thấy nhiên liệu hóa thạch đóng vai trò trung tâm như thế nào đối với chính phủ Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với NBC hôm 6/3 rằng, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang “thảo luận rất tích cực” với các chính phủ châu Âu về việc cấm nhập khẩu dầu thô và khí đốt tự nhiên của Nga.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga cho đến nay đã được xây dựng cẩn thận để tránh ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu năng lượng của nước này, mặc dù đã có dấu hiệu cho thấy các biện pháp này vô tình khiến các ngân hàng và thương nhân xa lánh dầu thô của Nga.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 7/3 đã bác bỏ lời kêu gọi cấm khai thác dầu khí của Nga, nói rằng một động thái như vậy có thể khiến an ninh năng lượng của châu Âu gặp rủi ro và nhập khẩu từ Nga là cực kỳ quan trọng đối với cuộc sống hàng ngày của người dân.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 7/3, Thủ tướng Anh Boris Johnson dường như đã đồng thuận với người đồng cấp Scholz của Đức trong việc lùi lại kế hoạch áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga.
“Chúng ta không thể ngừng sử dụng dầu và khí đốt trong một sớm một chiều, kể cả từ Nga. Đó rõ ràng không phải là điều mà mọi quốc gia trên thế giới có thể làm được”, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết.
Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng cho biết tại cuộc họp báo tương tự rằng, việc cắt giảm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga sẽ cần phải là một “quá trình từng bước”.
“Chúng tôi phải đảm bảo xóa bỏ sự phụ thuộc của chúng tôi vào khí đốt của Nga, vào dầu mỏ của Nga, đồng thời thừa nhận rằng sự phụ thuộc ở một mức độ nhất định ở thời điểm hiện tại vẫn còn”, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết.