Từ khi Mỹ và EU áp dụng các biện pháp trừng phạt hồi cuối tháng 7 - nhắm vào không chỉ các tay chân của Tổng thống Nga Vladimir Putin, mà tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Nga - các doanh nghiệp phương Tây cũng bị vạ lây.
Việc cấm một số ngân hàng, các công ty dầu lửa và các nhà thầu quốc phòng lớn thuộc sở hữu nhà nước Nga huy động vốn ở phương Tây đã đánh vào thu nhập từ phí của các ngân hàng phương Tây. Ảnh hưởng này trở nên nghiêm trọng hơn bởi các biện pháp “tự trừng phạt”, khi các ngân hàng phương Tây chọn cách lánh xa khách hàng Nga.
Hôm thứ Sáu tuần trước, Mỹ đã đi một bước xa hơn: hạn chế các công ty Mỹ làm việc cho các dự án nước sâu, đá phiến sét và các dự án tại Bắc Cực của Nga - đe dọa trực tiếp đến các dự án đang vận hành của ExxonMobil ở biển Kara.
Tuy nhiên, doanh nghiệp phương Tây hiện đang được đặc biệt nhắm đến bởi các biện pháp trả đũa của Nga. Tháng trước, Moscow đã cấm nhập khẩu một số thực phẩm từ EU, Mỹ, Na Uy, Canada và Australia. Để đáp trả các biện pháp trừng mới nhất của phương Tây, Andrei Belousov, một cố vấn cho Tổng thống Putin, cho biết, Nga có thể sẽ mở rộng lệnh cấm nhập khẩu sang các mặt hàng xe hơi, may mặc và các sản phẩm công nghiệp nhẹ khác. Thủ tướng Dmitry Medvedev nói rằng, Moscow có thể cũng cấm các hãng hàng không EU sử dụng không phận của nước này để bay nhờ sang châu Á.
Với một thỏa thuận về các biện pháp trừng phạt mở rộng của EU đang trở nên ngày càng khó đạt được, Chris Weafer của Macro-Advisory, một tổ chức tư vấn ở Moscow, cho rằng, các biện pháp chống lại Nga có thể đã đạt tới đỉnh điểm - trừ khi có sự leo thang quân sự của Nga, chẳng hạn một cuộc xâm lấn thực sự ở Đông Ukraine.
Nhưng có lẽ diễn biến lợi hại nhất là cuộc chiến tranh du kích mà Nga đang khởi xướng nhằm chống lại một số công ty phương Tây, qua việc sử dụng các cơ quan quản lý và cảnh sát để gây áp lực.
Cho đến nay, nạn nhân nổi tiếng nhất là McDonald’s.
Hồi tháng 7, cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của Nga đã đề nghị tòa án ban hành lệnh cấm bán một số sản phẩm của hãng thức ăn nhanh này, với lý do là chúng vi phạm các quy định về vệ sinh. Một tháng sau, cơ quan quản lý đã tạm thời đóng cửa 4 cửa hàng của McDonald’s - trong đó có cửa hàng quan trọng nhất ở quảng trường Pushkin ở Moscow. Đây không chỉ là một trong những cửa hàng của hãng đồ ăn nhanh đông khách nhất thế giới McDonald’s, mà kể từ khi mở cửa vào năm 1990, nó đã được xem là một biểu tượng của sự kết thúc chiến tranh lạnh. Hiện tại, đã có hàng tá cửa hàng của Hãng bị đóng cửa và hàng trăm cửa hàng bị thanh kiểm tra. Mặc dù đó chỉ là một phần nhỏ trong số 440 đại lý của McDonald’s tại Nga, nhưng nó cảnh báo về nguy cơ can thiệp sâu hơn của Nga đối với công việc kinh doanh của các công ty phương Tây.
Alexei Pushkov, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nga, đã gián tiếp nhắc đến một động thái vận động chính trị trong tuần này khi nói trên trang Tweeter của mình rằng: “Mỹ là một nửa khách hàng của gã khổng lồ McDonald’s; 53% dân Mỹ thường xuyên đến các cửa hàng của McDonald’s. Bởi vậy, việc đóng cửa các đại lý của họ ở Nga chỉ là một động thái mang tính hình tượng”.
Thứ Sáu tuần trước, hãng Ikea của Thụy Điển đã bị khám xét trụ sở của mình ở Nga. Cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra về hợp đồng thuê đất cho siêu thị đầu tiên của Ikea ở Moscow, mở ra khoảng 14 năm trước.
Valio của Phần Lan, một nhà sản xuất sản phẩm sữa, cũng bị thanh kiểm tra tháng trước bởi cảnh sát Nga với nghi vấn là cơ sở rửa tiền của một tổ chức không có liên quan. Cuộc điều tra đã mang đến tiếng xấu, làm tổn thương thêm cho Valia sau khi Hãng đã bị đánh mạnh bởi lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm - khiến doanh số ở Nga giảm gần 1/5 so với cùng kỳ năm ngoái.
Các công ty như Ikea từng là nạn nhân của các vụ quấy rối ở Nga. Nhớ lại năm 2009, nhà bán lẻ từng bị đình chỉ đầu tư vào Nga này phàn nàn về tình trạng tham nhũng - hai giám đốc điều hành của hãng đã dính líu vào một vụ bê bối hối lộ 1 năm trước.
Các cuộc khám xét được tiến hành bởi các điều tra viên đeo mặt nạ và trang bị vũ khí, diễn ra tại các văn phòng và nhà máy, từ lâu đã trở thành một biểu tượng của tình trạng luật pháp lỏng lẻo và quyền tài sản ít được đảm bảo ở Nga. Nhưng việc khám xét các công ty nước ngoài đã trở nên hiếm trong nhiều năm gần đây, khi Nga cố gắn thu hút đầu tư.
Các trường hợp Valio, McDonald’s và Ikea gợi ý tình trạng như vậy có thể trở lại.
Kiev và Moscow có thể rốt cuộc sẽ đi đến những thỏa thuận và các biện pháp trừng phạt có thể qua đi. Nhưng 20 năm sau các nỗ lực gắn kết Nga với nền kinh tế thế giới, thị trường này có lẽ vẫn đang đánh giá thấp nhưng mối đe dọa kéo dài đối với việc thắt chặt quan hệ với môi trường kinh doanh quốc tế.