Nhân sự sẽ có biến động
Tại ĐHCĐ thường niên năm nay, Eximbank dự kiến sẽ bầu thêm 2 nhân sự vào HĐQT nhiệm kỳ VI (2015-2020).
Ngân hàng cho biết, đã nhận được 4 hồ sơ của 4 ứng viên dự kiến bầu bổ sung, trong đó có 1 hồ sơ ứng viên cập nhật thông tin hồ sơ đã nộp năm 2017. Tuy nhiên, trong số 4 ứng viên ứng cử, Ngân hàng chỉ chọn 1 người là bà Lương Cẩm Tú, nguyên Tổng giám đốc Nam A Bank được chấp thuận bầu vào HĐQT Eximbank.
Hiện HĐQT Eximbank có 9 thành viên gồm: ông Lê Minh Quốc - Chủ tịch HĐQT, ông Đặng Anh Mai - Phó chủ tịch HĐQT, ông Yasuhiro Saitoh - Phó Chủ tịch HĐQT và các thành viên là ông Nguyễn Quang Thông, ông Hoàng Tuấn Khải, ông Ngô Thanh Tùng, ông Cao Xuân Ninh (nguyên trưởng đại diện NHNN tại TP.HCM), ông Lê Văn Quyết (kiêm Tổng giám đốc), ông Yutaka Moriwaki.
Thực ra, vấn đề nhân sự cấp cao ở Eximbank đã nóng từ năm 2015 và đến nay cũng chưa có dấu hiệu thực sự ổn định.
Trước đó, Eximbank trải qua nhiều lần ĐHCĐ thường niên bất thành vì không tìm được sự đồng thuận của cổ đông trong vấn đề lựa chọn người vào HĐQT, do người của nhóm cổ đông lớn không được ứng cử vào HĐQT. Nhưng trước thềm ĐHCĐ lần này, Eximbank đã chính thức thông báo về việc bổ nhiệm nhân sự cấp cao.
Cơ cấu cổ đông của Eximbank theo danh sách công khai trên phương tiện thông tin đại chúng hiện nay có Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC - Nhật Bản) là cổ đông lớn nhất với 15% vốn điều lệ, tiếp đến là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với gần 8,2% vốn và Quỹ VoF Investment Limited sở hữu 4,97%.
Tuy nhiên, ngoài các cổ đông này, vẫn còn hai nhóm cổ đông nữa sở hữu lượng lớn cổ phiếu của ngân hàng, trong đó có nhóm do bà Lương Thị Cẩm Tú đứng tên đại diện và một nhóm nữa do bà Ngô Thu Thúy (công ty Âu Lạc) đại diện.
Nhóm của bà Thúy hiện có ông Ngô Thanh Tùng và ông Lê Minh Quốc (từng là thành viên chủ chốt trong HĐQT của Âu Lạc) đang tham gia HĐQT, trong khi nhóm còn lại thì không có ai.
Vì thế, sự chấp thuận của cơ quan quản lý đối với bà Lương Thị Cẩm Tú, có lẽ cũng đã tính toán cẩn trọng và dường như cũng thể hiện sự mong muốn về tình đoàn kết, bắt tay nhau của các nhóm cổ đông để hướng đến chung một mục đích là đưa ngân hàng vượt qua khó khăn.
Mới đây, Exmbank tiếp nhận và bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh, nguyên Tổng giám đốc SeABank từ 25/9/2017, nhưng chỉ giữ chực vụ này 5 tháng, về làm Phó tổng giám đốc thường trực Eximbank từ ngày 11/4/2018.
Trước đó, ông Vinh là người của Techcombank với nhiều năm gắn bó, từng giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Giao dịch Hội sở Techcombank, Giám đốc Kinh doanh vùng và sau đó là Phó tổng giám đốc Techcombank.
Một số nguồn tin mà phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán nắm được cho rằng, khả năng ông Cảnh Vinh sẽ ngồi vào vị trí "ghế nóng" Tổng giám đốc Eximbank sau kỳ ĐHCĐ lần này.
Nhiều sóng gió
Ngoài vấn đề nhân sự, Eximbank cũng gặp nhiều vấn đề khác trước thêm ĐHCĐ như xảy ra nhiều vụ mất tiền tỷ của khách hàng, 5 nhân viên bị khởi tố, 1 lãnh đạo cấp cao bị truy nã quốc tế...
Cụ thể, chiều 26/4, ngay trước ngày Eximbank tiến hành ĐHCĐ thường niên năm 2018, nữ đại gia Chu Thị Bình, khách hàng bị rút 245 tỷ đồng đã phát đi thông báo nêu “3 lý do yêu cầu Eximbank phải trả ngay 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm”.
Sau gần 1 tháng kể từ khi xảy ra việc khởi tố 5 nhân viên Eximbank Chi nhánh TP.HCM vì liên quan đến vụ mất 245 tỷ đồng này, ngày 22/4, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình được đưa ra sau khi bà Chu Thị Bình và luật sư đại diện có đơn gửi Thủ tướng.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an và NHNN xem xét, giải quyết và trả lời cho bà Bình.
Bà Bình cho rằng, từ hơn 2 tháng qua, bà cùng các luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình đã có nhiều buổi làm việc trực tiếp với ông Lê Minh Quốc, Chủ tịch HĐQT và ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc, cùng nhiều thành viên HĐQT Eximbank, nhưng 2 bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Không chỉ 245 tỷ đồng của đại gia Chu Thị Bình, gần đây, Eximbank cũng để xảy ra nhiều vụ mất tiền tỷ của khách hàng. Đáng chú ý là vụ 6 khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại Phóng giao dịch Đô Lương - Eximbank Chi nhánh Vinh đã bị “bốc hơi” 50 tỷ đồng.
Mới đây, vụ án đã được toà tạm hoãn một thời gian vô hạn định để Eximbank tập trung lo cho ĐHCĐ. Trong khi đó, khách hàng không chấp nhận sự trì hoãn này.
Luật sư của nhóm khách hàng khẳng định, Eximbank không có tinh thần hợp tác và việc trì hoãn này hoàn toàn trái ngược với lời hứa của ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank: “Eximbank sẽ hợp tác với các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng VIP một cách nhanh nhất”.
Từ vụ mất tiền tại Eximbank, nhiều chuyên gia kinh tế, pháp lý nhận định vai trò của thành viên HĐQT, Ban kiểm soát... nhà băng này khá mờ nhạt.
Tại ĐHCĐ lần này, nhiều cổ đông tin rằng, sẽ không có sự đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực như những lần trước. Đây là đại hội của sự thống nhất, phát triển, cùng giải quyết những tồn tại trong quá khứ và hướng đến những mục tiêu tươi sáng ở tương lai, lấy lại niềm tin cho cổ đông, khách hàng.
TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, trước đây, Eximbank là một ngân hàng uy tín. Tuy nhiên, những năm qua, dường như HĐQT các thành viên không lo làm nghề nên mới xảy ra nhiều rủi ro, thất thoát, mất niềm tin khách hàng. Với Eximbank lúc này, sự thay đổi là cần thiết. Trước hết, phải tăng cường thành viên mới trong HĐQT. Nhân tố đó phải có kinh nghiệm trong nghề, tâm huyết, được sự tin tưởng của NHNN và các cổ đông lớn để gầy dựng lại uy tín cho Eximbank.
Mục tiêu của Eximbank đưa ra cho năm 2018 gồm là tổng tài sản cuối năm 2018 tăng 19% lên 178.000 tỷ đồng. Huy động vốn dự kiến tăng thêm 30.500 tỷ đồng, tương đương mức tăng 26%. Kế hoạch tăng trưởng huy động vốn năm nay cao hơn nhiều so với năm 2017 (17,2%) và thực tế tăng trưởng tiền gửi khách hàng năm qua cũng mới chỉ đạt 14,4%. Dư nợ tín dụng Eximbank dự kiến tăng trưởng 12%.