Nếu thể chế thị trường vẫn “méo”, thị trường chứng khoán khó… “tròn”

Nếu thể chế thị trường vẫn “méo”, thị trường chứng khoán khó… “tròn”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu thể chế thị trường vẫn méo mó, theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thị trường chứng khoán sẽ khó phát triển. 

Tròn 20 năm hoạt động, theo ông, đâu là những điểm được và chưa được của TTCK Việt Nam?

Nếu nhìn lại năm 2000, khi đó còn rất khó khăn về phát triển kinh tế thị trường, thì không ai hình dung được TTCK Việt Nam lại phát triển nhanh đến như vậy.

Trong 20 năm qua, phải nói rằng TTCK phát triển rất nhanh cả về quy mô, nhà đầu tư, trở thành một kênh huy động vốn của nền kinh tế, cho các doanh nghiệp có năng lực, có khả năng phát triển.

TTCK phát triển cũng góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, làm cho thị trường vốn và tài chính Việt Nam phát triển hơn.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, TTCK đến nay vẫn phụ thuộc khá nhiều vào cổ phần hóa của khu vực doanh nghiệp nhà nước, trong khi số lượng doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường còn hạn chế.

TS. Nguyễn Đình Cung.

Trên thị trường còn thiếu các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp, các định chế đầu tư, vốn là những tổ chức dẫn dắt thị trường, làm cho thị trường ổn định và phát triển theo cách chuyên nghiệp hơn. Bởi vậy, tính đầu cơ trên thị trường hiện nay còn lớn.

Cơ cấu hàng hóa trên thị trường phần lớn từ doanh nghiệp cổ phần hóa đi lên, trong khi môi trường kinh tế thị trường chưa hoàn thiện, các doanh nghiệp chưa thực sự có môi trường để phát triển theo hướng cạnh tranh toàn cầu, do đó, quản trị của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường còn yếu kém.

Vì thị trường còn thiếu tính chuyên nghiệp, vẫn mang tính đầu cơ như vậy nên nhà đầu tư tham gia chủ yếu vẫn chạy theo lợi ích ngắn hạn.

Vậy nên, các yếu tố mang tính dài hạn, đặc biệt là chất lượng của hàng hóa, thể hiện ở chất lượng của chính các công ty phát hành chứng khoán vẫn còn thấp.

Nói cách khác, vì phần lớn nhà đầu tư chỉ đầu tư mang tính chất ngắn hạn, nên họ cũng không quá chú trọng đến chất lượng quản trị công ty. Thị trường thiếu áp lực và động lực thay đổi để nâng cao chất lượng quản trị công ty.

Dù hiện nay chuẩn mực về quản trị công ty được áp dụng, song nhìn chung, các công ty mới dừng ở tuân thủ như một hình thức bắt buộc, chứ không phải chủ động để nâng cao chất lượng, hoàn thiện hiệu lực quản trị, áp dụng các nguyên tắc quản trị tốt trên thị trường, từ đó nhà đầu tư nhìn vào cách thức và cơ cấu quản trị để yên tâm đầu tư dài hạn.

Cũng phải nói một cách công bằng là khó có thể chê TTCK vì nó là một bộ phận của thể chế kinh tế thị trường vốn chưa hoàn thiện.

Nền tảng kinh tế thị trường vẫn còn méo mó, thì khó có thể đòi hỏi các doanh nghiệp hoạt động trong hoàn cảnh như vậy công khai minh bạch được, trên TTCK lại càng khó.

Bởi nếu công khai, minh bạch thì phải áp dụng các chuẩn mực tốt theo thông lệ tốt, mà như vậy thì lại thiệt thòi trong thể chế này nên niêm yết vẫn mang tính tuân thủ hơn là xuất phát từ mong muốn nội tại của doanh nghiệp.

Dù còn nhiều bất cập, nhưng TTCK Việt Nam đã khẳng định là một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế, thưa ông?

Với quy mô và cấp độ phát triển của thị trường hiện nay, có thể thấy các yếu tố thông tin thị trường, minh bạch thông tin, chất lượng hàng hóa và ngay cả chất lượng nhà đầu tư còn nhiều hạn chế.

Huy động vốn của nền kinh tế vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, nên TTCK vẫn chưa xứng tầm trên thị trường tài chính Việt Nam. 

Nhiều doanh nghiệp chưa có động lực để nâng cao quản trị, minh bạch trong quản lý, áp dụng chuẩn mực phổ biến tốt trên quốc tế, là điều rất cần cải thiện ở TTCK Việt Nam.

Phải đưa được các định chế đầu tư, chẳng hạn hệ thống quỹ hưu trí vào hoạt động để tổ chức này trở thành nhà đầu tư chủ yếu trên TTCK.   

Muốn vậy, phải đưa được các định chế đầu tư, chẳng hạn như hệ thống quỹ hưu trí… vào hoạt động, để tổ chức này trở thành nhà đầu tư chủ yếu trên TTCK.

Ðó là chưa kể hiện nay thị trường vẫn méo mó, chưa phải là kênh huy động và phân bổ nguồn vốn một cách thực sự hiệu quả theo đúng quy luật thị trường như đã phân tích...

Ông vừa đề cập một trong những lực lượng chính đóng góp hàng hóa cho TTCK là khối doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và từ hoạt động bán vốn nhà nước. Tuy nhiên, tiến trình này gần như bị ngưng trệ trong 2-3 năm nay. Theo ông, nút thắt của tiến trình này là gì?

TTCK ra đời đã trở thành công cụ thúc đẩy cổ phần hóa khối doanh nghiệp nhà nước nhiều hơn. Nhiều doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa đã lên niêm yết trên TTCK, song bây giờ cổ phần hóa chững lại có nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất là tại thời điểm này do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tất cả mọi kế hoạch đều đảo lộn. Trong điều kiện bình thường, thì tiến trình cổ phần hóa cũng chậm lại, vì hiện chủ yếu cổ phần hoá các doanh nghiệp quy mô lớn.

Khi lên thị trường thì đòi hỏi chuẩn mực rõ ràng, rành mạch tách biệt về quyền sở hữu của nhà nước và tài sản của doanh nghiệp. Trong khi đó hiện nay, ta vẫn chưa phân định được rõ ràng về tài sản công và tài sản của doanh nghiệp trong cổ phần hóa.

Nếu tài sản trong doanh nghiệp vẫn gọi là tài sản công thì không đúng. Mặt khác, nếu vẫn coi là tài sản công thì bán tài sản công lại càng hết sức khó khăn.

Thứ hai, với việc điều chỉnh khái niệm về doanh nghiệp nhà nước có thể sẽ khiến người muốn mua phải chần chừ cân nhắc hơn.

Nếu người mua chỉ để đầu cơ thì họ không quá quan tâm điều này, song nhà đầu tư mua để đầu tư dài hạn thì họ sẽ thấy lấn cấn khi công ty cổ phần vẫn còn “bóng dáng” áp dụng cơ chế nhà nước.

Ðể phù hợp với thị trường và mô hình công ty cổ phần đòi hỏi thay đổi chủ sở hữu như chủ sở hữu của cơ chế tư nhân. Còn nếu giữ cách quản lý nhà nước là chủ sở hữu như bây giờ sẽ không ăn nhập với cách vận hành của một công ty cổ phần.

Giả sử không có yếu tố dịch Covid- 19 tác động, thì việc thoái vốn cổ phần hóa tại thời điểm hiện nay, đối với các doanh nghiệp lớn với cơ cấu tài chính phức tạp mà vẫn áp dụng cơ chế hành chính nhà nước định giá một cách tù mù, không phân định rõ được tài sản doanh nghiệp và nhà nước thì khó có lối ra cho việc đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Thậm chí, tôi cho rằng, cổ phần hóa sẽ bị tắc nếu không thay đổi. Thoái vốn thì ở mức nào đó có thể tiếp tục triển khai được, song cổ phần hóa để đưa các loại hàng hóa mới ra thị trường sẽ bị… tắc nếu không thay đổi cho phù hợp với yêu cầu mới của cổ phần hóa và theo nguyên tắc thị trường.

Do đó, TTCK không nên kỳ vọng vào hàng hóa từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nữa, mà nên trông đợi xu hướng khác là tạo hàng hóa từ khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Lên sàn, nhiều doanh nghiệp tốt của Việt Nam đang đối mặt với rủi ro bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư lớn nước ngoài. Ông nhìn nhận gì về hiện trạng này và nên có chính sách gì để điều tiết hợp lý?

Ðây là sự tất yếu của thị trường, khi đã tham gia thị trường cần tính được để tránh rủi ro đó. Nếu một công ty giả sử mà cổ đông lo lắng về điều này, thì cổ đông lớn phải tính.

Theo thông lệ và theo quy định của pháp luật, họ phải nắm giữ được tỷ lệ sở hữu cổ phần chi phối của công ty để có thể ra quyết định theo ý muốn.

Khi đã nắm được tỷ lệ sở hữu cổ phần chi phối và có đủ năng lực để thực thi quyền chủ sở hữu, đồng thời có định hướng rõ ràng thì vẫn kiểm soát được sở hữu công ty.

Thâu tóm là hoạt động nên khuyến khích trên thị trường để thay đổi quản trị doanh nghiệp theo hướng tốt hơn. Như thế có nghĩa ông chủ nhìn thấy cơ hội phát triển tốt hơn trên thị trường, thì sẽ nắm quyền chủ sở hữu để điều hành công ty và thay đổi chiến lược phát triển doanh nghiệp.

Mặt khác, đây cũng là áp lực buộc những nhà quản trị công ty phải làm tốt hơn, nếu không muốn giá trị công ty bị suy giảm và bị loại khỏi cuộc chơi.

Thực ra, thâu tóm là câu chuyện của thị trường. Chính sách nhà nước không thể và không nên can thiệp, chỉ can thiệp khi thâu tóm bất bình đẳng, trong luật lệ đã có quy định.

Hoặc chỉ nên can thiệp một số lĩnh vực mang tính chất an ninh, quốc phòng, có thể có một số địa bàn mang tính chất chiến lược nhà nước hạn chế sự tham gia đầu tư của nước ngoài.

Ðâu là dự cảm của ông về triển vọng nền kinh tế và TTCK trong năm 2020 cũng như giai đoạn tới?

Trong bối cảnh hiện nay, theo tôi, triển vọng trung hạn chưa thấy sáng sủa, vì thế giới đang rơi vào suy thoái, quá trình phục hồi chậm hơn. Có thể đến năm 2023 mới có thể phục hồi quay trở về mức như 2019.

Cùng với đó, có nhiều sự thay đổi về chiến lược của các công ty, cách thức quản lý, kinh doanh của các công ty; cách thức tiêu dùng; tổ chức sản xuất…

Trong bối cảnh thay đổi nhiều như vậy, các nhà đầu tư chắc chắn phải dừng lại quan sát, riêng nhà đầu cơ có thể nhảy vào để tìm kiếm cơ hội. Song các nhà đầu tư chắc chắn phải nhìn lại một cách  tổng thể về chiến lược để thay đổi, nên có thể mất nhiều năm để điều chỉnh.

Tuy nhiên, có thể có cơ hội cho những ngành nghề mới, sản phẩm mới, nhất là trong bối cảnh hiện nay, như kinh tế số, các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin...

Song đáng tiếc, tại Việt Nam hiện nay, nhóm cổ phiếu công nghệ và các ngành này chưa nhiều, trong khi những nhóm cổ phiếu bất động sản và ngân hàng đang dẫn đầu thị trường hiện nay, về lâu dài sẽ đối mặt với nguy cơ suy giảm.

Ngân hàng đối mặt với rủi ro nợ xấu sẽ tăng, lợi nhuận giảm, nên sẽ tác động tới giá cổ phiếu cũng như lợi nhuận của nhóm cổ phiếu này.

Về dài hạn, triển vọng TTCK phụ thuộc vào thể chế thị trường Việt Nam. Nếu thể chế thị trường vẫn méo mó, đặc biệt là thị trường nhân tố sản xuất, mà một trong số đó là thị trường vốn vẫn méo mó, nhà nước vẫn chi phối trong việc phân bổ nguồn lực theo kiểu xin- cho như hiện nay, thì TTCK sẽ khó lớn mạnh.

Tin bài liên quan