Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nếu mọi việc suôn sẻ thì trong tháng 9 này, chúng ta có thể có vắc-xin sản xuất trong nước.
Sáng ngày 12/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng chống Covid-19 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy công tác này.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia đã chỉ đạo quyết liệt, nhân dân hết sức quan tâm việc triển khai chiến lược vắc-xin.
Để có vắc-xin tiêm cho người dân nhiều nhất, nhanh nhất có thể, chúng ta thực hiện đồng bộ “kiềng ba chân” gồm mua và nhập khẩu; chuyển giao công nghệ để sản xuất; nghiên cứu, sản xuất trong nước.
Trong đó, việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin trong nước có vai trò rất quan trọng. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là công việc lớn của đất nước, được người dân rất trông đợi.
Thủ tướng nhấn mạnh “phải bàn và làm bằng được” việc sản xuất vắc-xin trong nước. “Trong cái khó ló cái khôn”, “trong nguy có cơ”, bối cảnh hiện nay là cơ hội để phát triển ngành Dược Việt Nam, trong đó có việc nghiên cứu và sản xuất vắc-xin phòng Covid-19.
Trong thời gian ngắn vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có 5 cuộc họp về vấn đề nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin, thuốc và các trang thiết bị khác phục vụ chống dịch.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đã có nhiều chuyến thăm, động viên và kiểm tra các cơ sở nghiên cứu, sản xuất vắc-xin tại Hà Nội và TP.HCM. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các bên liên quan phải phối hợp chặt chẽ, chủ động thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, mỗi người trên cương vị của mình phải làm hết trách nhiệm trên tinh thần “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật”, đặt lợi ích quốc gia dân tộc, sức khỏe và tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết. Chống mọi biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực này, nếu phát hiện tiêu cực phải xử lý ngay, xử lý nghiêm.
Trong nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, nếu vẫn có vướng mắc thì phải tiếp tục tháo gỡ, vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải xử lý ngay, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên xem xét, quyết định.
Tại cuộc họp, Bộ Y tế và các bên liên quan đã báo cáo cụ thể về tình hình, tiến độ, kết quả chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 trong nước.
Cụ thể, việc nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Nanocovax do Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen nghiên cứu, phát triển, vắc-xin COVIVAC do Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế nghiên cứu, phát triển;
Việc chuyển giao công nghệ vắc-xin từ nước ngoài để sản xuất trong nước (vắc-xin ARCT-154 của Hoa Kỳ do Vingroup thực hiện; vắc-xin của Công ty Shionogi (Nhật) do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và VABIOTECH triển khai; vắc-xin Sputnik-V (Nga) do VABIOTECH và Công ty DS-Bio triển khai)…
Về phía cơ sở nghiên cứu, sản xuất vắc-xin Trung tướng, GS. TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, đại diện đơn vị tham gia nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin Nanocovax nêu rõ quan điểm, quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã “truyền lửa, nhiệt huyết cho các cơ quan, các nhà khoa học”.
Lãnh đạo Học viện Quân y cũng khẳng định sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quy định về mặt chuyên môn và khoa học, bảo đảm khách quan, trung thực trong nghiên cứu, đánh giá thử nghiệm.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính là phải tiếp cận bình đẳng với tất cả các loại vắc-xin, “loại vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được cấp phép, được tiêm sớm nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất”. Có vắc-xin gì thì tiêm loại đó. Các nhà khoa học khẳng định hiệu quả của tất cả các loại vắc-xin đã được cấp phép.
Đại diện cho giới chuyên gia, PGS.TS. Lê Văn Truyền, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế cho biết, các đơn vị hết sức cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 86.
Loại vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được cấp phép, được tiêm sớm nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất
PGS.TS. Lê Văn Truyền khẳng định, sau khi Hội đồng đạo đức có ý kiến đối với thuốc, vắc-xin thực hiện thử nghiệm lâm sàng, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc sẽ làm việc khẩn trương nhất có thể, họp bất kỳ lúc nào cần để thực hiện các quy trình xem xét, đánh giá, trình Bộ Y tế xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện theo đúng quy định.
Về nguồn cung vắc-xin theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, hiện dịch Covid-19 đang rất căng thẳng và vẫn thiếu vắc-xin ở cả nước. TP.HCM rất cần vắc-xin tiêm cho người dân để bảo vệ người dân khỏi lây nhiễm và nếu bị nhiễm thì triệu chứng cũng sẽ không nặng.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đã ký hợp đồng mua hàng trăm triệu liều vắc-xin nhưng trong tháng 8/2021 chỉ có thêm khoảng 3 triệu liều vắc-xin về Việt Nam, vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của riêng TP.HCM để đủ miễn dịch cộng đồng, chưa kể còn một số địa phương khác như Long An, Đồng Nai, Bình Dương hay TP. Hà Nội.
Trong tháng 9/2021, dự kiến chỉ có khoảng 9,3 triệu liều vắc-xin được nhập về. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin từ nước ngoài đang bị chậm tiến độ.
Theo Phó Thủ tướng, các vắc-xin nghiên cứu, phát triển trong nước như Nanocovax đã bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, phải được đẩy nhanh tiến độ hơn nữa để khẩn trương cấp phép lưu hành khẩn cấp. Cấp bách nhất hiện nay là phải có vắc-xin ngay thời điểm này để tiêm cho người dân nhiều nhất có thể.
Sau tháng 10/2021, vắc-xin từ các hợp đồng mua của nước ngoài sẽ về rất nhiều (dự kiến trong quý IV sẽ có khoảng 60 triệu liều). Các dự án tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin của nước ngoài cũng bắt đầu đi vào hoạt động. Các vắc-xin trong nước cũng sẽ hoàn tất quy trình thử nghiệm lâm sàng.
Kết luận cuôc họp Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trên tinh thần “kịp thời, an toàn, hiệu quả”, các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà sản xuất phải vào cuộc hết sức khẩn trương, rút gọn tối đa quy trình, thủ tục hành chính nhưng về mặt chuyên môn, khoa học phải chặt chẽ, đầy đủ hồ sơ, “dục tốc bất đạt”.
“Do đây là lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, tính mạng con người, chúng ta “phải có trái tim nóng và cái đầu tỉnh táo, không nóng vội, chần chừ hoặc nóng vội đều không được”, Thủ tưởng Phạm Minh Chính nêu.
Thủ tướng nêu rõ, ông luôn luôn sẵn sàng làm việc ngày đêm sớm tối với các cơ quan liên quan nhưng về chuyên môn, khoa học thì dứt khoát phải do các cơ quan chuyên môn, khoa học có thẩm quyền đánh giá.
Hai yêu cầu cốt lõi đã được nêu rất rõ trong Nghị quyết 86 là phải bảo đảm tính an toàn và hiệu quả (hiệu quả điều trị của thuốc, hiệu quả bảo vệ của vắc-xin dựa trên dữ liệu về tính sinh miễn dịch của vắc-xin).
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ có liên quan, các Hội đồng cùng vào cuộc, hướng dẫn về quy trình, thủ tục để các đơn vị đang tiến hành nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, sản xuất vắc-xin, thuốc và các trang thiết bị, vật tư y tế như kit xét nghiệm đáp ứng ngay, không để vì thủ tục hành chính mà ách tắc công việc.
Các cơ quan liên quan như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Y Hà Nội, Học viện Quân y, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur… tập trung hỗ trợ các cơ quan quản lý, nhà khoa học, các đơn vị nói trên theo tinh thần “chống dịch như chống giặc, ai có gì dùng nấy”.
Chính phủ giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo chung về công tác này. Việc phối hợp giữa các bên liên quan phải chặt chẽ, tích cực, hiệu quả, mạnh mẽ hơn dưới sự điều phối, tổ chức của Bộ Y tế.
Bộ Y tế rút kinh nghiệm để tổ chức thực hiện tốt hơn, là đầu mối điều phối, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, các nhà nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao công nghệ, các nhà khoa học, các nhà quản lý và tham vấn ý kiến, nhận hỗ trợ từ các chuyên gia, tổ chức quốc tế.
Thủ tướng cũng yêu cầu kiện toàn tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế về vắc-xin phòng Covid-19, hoàn thiện quy chế hoạt động của Tổ nếu cần thiết và phải hoạt động thật hiệu quả, thực chất. Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành thông tư về cấp giấy lưu hành thuốc và vắc-xin sản xuất trong nước theo tinh thần Nghị quyết 86 của Chính phủ.
Bộ Y tế, Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền trình kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV sửa đổi quy định về thử nghiệm lâm sàng và thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế tại Điều 87, Điều 89 Luật Dược.
Bộ Tài chính, Bộ Y tế phối hợp nghiên cứu, quyết định hoặc đề xuất các cấp có thẩm quyền về chính sách ưu đãi cao nhất cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, sản xuất vắc-xin, thuốc và các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch. Bộ Tư pháp rà soát các thủ tục bảo đảm đúng quy trình, quy định, chặt chẽ nhưng gọn và nhanh.
Thủ tướng nhắc lại và tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu tiếp cận bình đẳng với tất cả các loại vắc-xin, “loại vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được cấp phép và được tiêm sớm nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất”.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và đề nghị các nhà khoa học, các nhà chuyên môn lên tiếng để tránh tâm lý “có vắc-xin không tiêm” mà so bì, chờ đợi, phân biệt các loại vắc-xin.
Cùng với vắc-xin, Thủ tướng yêu cầu tích cực hơn nữa thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất thuốc điều trị Covid-19 và các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch, nhất là bộ sinh phẩm xét nghiệm.
“Nếu mọi việc suôn sẻ thì trong tháng 9 này, chúng ta có thể có vắc-xin sản xuất trong nước. Đây là kết quả từ sự nỗ lực, lao động của các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, các nhà quản lý, các nhà sản xuất, cũng là sản phẩm chung của cả nước, của dân tộc, của lòng dân, khẳng định trí tuệ, bản lĩnh, quyết tâm của con người Việt Nam trong bối cảnh khó khăn”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu.