Đó là ý kiến của ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC, phụ trách thị trường Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương.
Theo ông, doanh nghiệp cần có chiến lược như thế nào để vẫn phát triển tốt trong bối cảnh Covid-19?
Ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC, phụ trách thị trường Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương. |
Đầu năm 2020, nhiều chủ doanh nghiệp, CEO, cho đến bộ phận kinh doanh và marketing đều có tâm lý chờ đợi xem tình hình dịch bệnh diễn biến thế nào. Có một số doanh nghiệp điều chỉnh đôi chút, rồi lại chờ đợi. Thậm chí, một số ông chủ cho rằng, dịch khiến kinh doanh bị ảnh hưởng là chuyện đương nhiên và chờ đợi.
Nhưng thời điểm này đã khác. Mọi người hy vọng sẽ khống chế được dịch bệnh vào cuối năm 2022. Không thể chờ đợi, doanh nghiệp phải hành động để phát triển kinh doanh trong bối cảnh Covid-19.
Nếu nhìn góc độ tích cực và so sánh giữa hai doanh nghiệp nội địa và nước ngoài có cùng quy mô, thì cả hai đều có xuất phát điểm chung là Covid-19. Tôi xin lưu ý một số chỉ số chính để định hướng lại mục tiêu phát triển kinh doanh.
Đầu tiên là tài chính, với doanh số, chi phí, lợi nhuận phải là những con số biết nói. Ví dụ, đằng sau chỉ số doanh số là những tiêu chí về số lượng khách hàng, thị phần, tốc độ tăng trưởng…
Cho dù có dịch bệnh hay không, chúng ta đều phải lấy khách hàng làm trọng tâm. Do đó, phần này doanh nghiệp phân tích càng chi tiết càng tốt, tương ứng với từng nhóm đối tượng khách hàng phù hợp với từng sản phẩm.
Thứ hai là khách hàng. Doanh nghiệp cần làm gì để khách hàng hài lòng và trả tiền. Việc này có liên quan đến các sản phẩm doanh nghiệp cung cấp cũng như các phương thức bán hàng.
Thứ ba, những quy trình làm hài lòng khách hàng đang lỏng lẻo hay mất kiểm soát ở đâu.
Thứ tư, nhân sự thực hiện quy trình làm hài lòng khách hàng là ai. Liệu khi quy trình phù hợp có làm khách hàng hài lòng? Khi hài lòng, khách hàng sẽ trả tiền cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đạt được tiêu chí doanh số.
Những lĩnh vực nào buộc phải xây dựng lại chiến lược ứng phó trong thời điểm này, thưa ông?
Lĩnh vực dược phẩm, thiết bị y tế, dịch vụ ăn uống, cơ điện lạnh, hàng tiêu dùng nhanh, sản phẩm cao cấp (nữ trang, mỹ phẩm...) đang có nhiều động thái dồn dập đưa ra các phương án ứng phó.
Tuy nhiên, tôi khẳng định, nếu quyết định sống chung với Covid -19, thì ngành nào cũng phải định hình lại hướng kinh doanh, mô hình bán hàng và tiếp xúc khách hàng. Các kịch bản phải được đặt ra cùng những giải pháp ứng phó cho từng trường hợp, càng chi tiết càng tốt.
Trong việc định hình lại chiến lược này, thì chuyển đổi số đang được doanh nghiệp đầu tư mạnh vì được coi như công cụ giúp làm việc hiệu quả hơn. Theo ông, một chiến lược đầu tư chuyển đổi ra sao được coi là hiệu quả?
Điều quan trọng không phải là chiến lược hay kế hoạch chuyển đổi số được thực hiện rốt ráo giai đoạn này, mà doanh nghiệp phải đặt ra các câu hỏi hết sức cơ bản, như mục đích của việc số hóa hoặc chuyển đổi số của doanh nghiệp là gì? Phần nào cần số hóa trước và tại sao? Hoặc lộ trình của việc chuyển đổi này sẽ như thế nào, tại sao phải làm thế?
Đừng để tình trạng giống như cách đây 10 - 15 năm, khi nhà nhà làm chứng chỉ ISO, người người làm ERP (hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp), đi đâu cũng nghe làm tái cấu trúc, trong khi họ có thể chỉ cần điều chỉnh hoặc sắp xếp lại doanh nghiệp là được.
Một trường hợp tôi muốn nhắc đến ở đây là Tập đoàn GE của Mỹ sau khi bán lại cho nhà đầu tư khác mới áp dụng ERP và chỉ áp dụng cho tài chính - kế toán. Vậy mà tôi thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư hẳn một hệ thống ERP hoành tráng. Câu hỏi đặt ra cho những doanh nghiệp này là, họ đi trước/bắt kịp thời đại hay đang lãng phí? Họ cần phải trả lời chi tiết câu hỏi này.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!