Nếu NDT giảm giá, VND  sẽ ra sao?

Nếu NDT giảm giá, VND sẽ ra sao?

(ĐTCK) Sự kiện đồng nhân dân tệ (NDT) chính thức trở thành đồng tiền thứ 5 được đưa vào giỏ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào năm 2016, được dự báo sẽ có tác động làm giảm giá đồng tiền này, do một lượng lớn tiền muốn đầu tư ra nước ngoài sẽ chảy khỏi Trung Quốc. 

Từ đó, các đồng tiền khác, trong đó có VND, sẽ chịu tác động giảm giá theo. ĐTCK đã ghi nhận ý kiến của chuyên gia phân tích về sự kiện này. 

6 tháng tới, NDT có thể mất giá 3% so với USD 

Ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng giám đốc CTCP chứng khoán TP. HCM (HSC)
 

Ba tháng sau khi đồng NDT của Trung Quốc chính thức vượt qua đồng yên Nhật Bản (JPY) trở thành đồng tiền được được sử dụng phổ biến trong thương mại và đầu tư quốc tế, IMF đã quyết định đưa NDT vào giỏ SDR.

Có ý kiến cho rằng, việc này chỉ mang tính biểu tượng, vì Trung Quốc đang thực hiện chính sách mở cửa tài khoản vốn, khuyến khích đầu tư nước ngoài thông qua sử dụng đồng NDT, như kết nối thị trường Thượng Hải và Hong Kong,… thúc đẩy việc sử dụng đồng NDT ngày càng phổ biến trong thương mại và đầu tư với các quốc gia. Nếu không có sự kiện IMF đưa NDT vào SDR, việc sử dụng NDT vốn đã tăng lên mạnh mẽ trên toàn cầu.

Ý kiến trên chỉ đúng một phần, vì NDT được công nhận là ngoại tệ sử dụng phổ biến trên thế giới dẫn đến việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho phép sử dụng một cơ chế điều hành tỷ giá theo hướng thị trường nhiều hơn. 15 năm qua, Trung Quốc trở thành động cơ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới một phần là nhờ đã gắn NDT với USD. Giờ đây, họ phải bỏ dần việc đó, đồng nghĩa với việc cuộc “hôn nhân” USD và NDT trong 15 năm qua đã có dấu hiệu ly hôn, để tỷ giá NDT chuyển động tự do theo thị trường.

Tăng trưởng của Trung Quốc đang suy giảm và họ có nhu cầu nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, với các biện pháp như giảm lãi suất và giảm dữ trữ bắt buộc. Chính sách nới lỏng sẽ tạo sức ép khiến NDT mất giá so với USD.

Khác với châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản, 3 nền kinh tế đang phải nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế thì Mỹ, sau thời gian duy trì lãi suất bằng 0 để đưa nền kinh tế vượt qua khủng hoảng, đang rục rịch chuẩn bị tăng lãi suất. Nhưng điều này không hẳn đồng nghĩa với việc thắt chặt tiền tệ mà chỉ là đưa mức lãi suất về bình thường. Nền kinh tế Mỹ thời điểm này có thể ví như người bệnh đã được chữa lành có thể tháo bình thở oxy “lãi suất 0%” ra.

Dự kiến, tháng 12 này, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất 25 điểm phầm trăm và điều này đã phản ánh vào tỷ giá. Dự kiến sang năm 2016, việc tăng lãi suất diễn ra chậm với 4 lần tăng, mỗi lần 25 điểm phần trăm, tức tăng 1% trong năm tới. Đồng USD sẽ mạnh hơn so với các đồng tiền khác.

"Trong trường hợp NDT tiếp tục mất giá thì hệ số biến động VND cũng chỉ ở mức 1 đến 1,2 lần, tức VND mất giá tỷ lệ tương đương với NDT hoặc nhiều hơn một chút mà thôi" - ông Trịnh Hoài Giang.

Thị trường tài chính thế giới đã nhìn thấy bức tranh đó và tin rằng Fed sẽ điều chỉnh lãi suất một cách chậm rãi, có tính đến ảnh hưởng với các thị trường bên ngoài. Chẳng hạn, việc Trung Quốc bất ngờ điều chỉnh tỷ giá NDT giảm 3%, tạo ra cú sốc với các thị trường tài chính trên toàn cầu, đã khiến Fed trì hoãn việc tăng lãi suất đến tháng 12. Mới đây, Thống đốc PBoC đã phát biểu rằng, cơ quan này sẽ tiếp tục cải cách thị trường tài chính nhưng sẽ không có chuyện giảm tỷ giá một cách bất ngờ như trước đây.

Việc đồng NDT chính thức trở thành đồng tiền dự trữ của IMF bắt đầu từ ngày 1/10/2016 nhưng tại thời điểm này, thị trường tài chính đã phản ánh một số tác động. Cụ thể, tỷ giá NDT/USD ở thị trường Thượng Hải và Trung Quốc có sự cách biệt. Đối với hợp đồng giao dịch kỳ hạn 6 tháng tại Thượng Hải, 1 USD đổi 6,4 NDT, còn tại Hồng Kong, 1 USD đổi 6,6 NDT. Tỷ giá hợp đồng kỳ hạn cao hơn hiện tại 3% thể hiện thị trường kỳ vọng trong 6 tháng tới, NDT sẽ mất giá 3% so với USD. Cũng có dự báo USD có thể tăng giá tới 10% so với NDT nhưng thị trường nhìn chung không phản ánh rõ tới mức độ đó.

Theo nghiên cứu của tôi, NDT sẽ giảm giá 3% so với USD trong 6 tháng tới và mất giá từ 5 đến 7% trong vòng 1 năm, tương ứng ở mức 6,6 NDT đổi 1 USD và 6,75 NDT đổi 1 USD.

Câu hỏi đặt ra là nếu USD lên giá so với NDT thì tác động tới tỷ giá VND và USD như thế nào? Nhìn lại việc NDT mất giá 3% vừa qua, khi đó USD tăng 5% so VND. Năm 2016, nếu NDT mất giá 3 đến 6% so với USD thì VND cũng sẽ  mất giá ở mức tương tự 3-6%. Tức tỷ giá chính thức hiện nay là 22.500 VND/USD sẽ tăng lên 23.600 VND/USD.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trương giữ ổn định tỷ giá nên đã có những chính sách chuẩn bị như giảm vị thế nắm giữ USD của ngân hàng thương mại, không cho doanh nghiệp mua ngoại tệ trước thời điểm thanh toán… làm giảm tình trạng đầu cơ ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước tự tin có thể kiểm soát, ổn định tỷ giá.

Mặt khác, ở Việt Nam, dòng vốn nước ngoài vẫn vào đều ở trạng thái ròng nhưng không phụ thuộc vào dòng vốn đầu tư tài chính như các nước trong khu vực, nên khi tỷ giá có biến động thì không có việc đồng nội tệ mất giá quá nhiều, tương tự các nước trong khu vực ở thời điểm Trung Quốc phá giá NDT đến 3% vừa qua.

Kết hợp nhiều yếu tố, tôi cho rằng, trong trường hợp NDT tiếp tục mất giá thì hệ số biến động VND cũng chỉ ở mức 1 đến 1,2 lần, tức VND mất giá tỷ lệ tương đương với NDT hoặc nhiều hơn một chút mà thôi.

Tỷ giá VND với USD và NDT sẽ không có biến động quá lớn

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán MayBank Kim Eng Việt Nam
 

Cuối cùng, Trung Quốc đã đạt được mục đích của mình khi IMF đưa ra quyết định, đồng NDT chính thức gia nhập giỏ tiền tệ dự trữ quốc tế, được biết đến với tên gọi SDR.

IMF đã ít nhất một lần từ chối đưa NDT vào SDR năm 2010. Việc Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và Tài chính quốc tế (SWIFT) cho biết NDT đã trở thành đồng tiền được sử dụng nhiều thứ tư trong thanh toán quốc tế, với tỷ lệ 2,79% trong tháng 8/2015, vượt qua đồng yên, đã có tác động tới quyết định mới nhất của IMF, khi NDT chính thức trở thành một trong các đồng tiền dự trữ đặc biệt của IMF trong năm 2016.

"Kỳ vọng tỷ giá VND với USD và NDT sẽ không có biến động quá lớn, nhưng tỷ giá VND và euro sẽ giảm khá mạnh. Điều này cũng đã được minh chứng trong 3 năm qua, khi VND tăng giá mạnh so với euro, nhưng giảm nhẹ so với USD và NDT" - Ông Phan Dũng Khánh.

Trước khi có thêm đồng NDT, SDR bao gồm 4 đồng tiền USD, euro, bảng Anh và yên Nhật. Tỷ trọng của NDT trong SDR còn cao hơn cả bảng Anh và đồng yên.

SDR đã duy trì trạng thái chỉ có 4 đồng tiền kể trên trong thời gian rất dài,  không có sự thay đổi, bởi vậy, khó có thể đánh giá đầy đủ tác động của việc đưa thêm đồng NDT vào rổ tiền tệ nói trên. Tuy nhiên, theo đánh giá sơ bộ của nhiều tổ chức thì trong thời gian đầu, sự hiện diện của đồng NDT trong SDR chỉ mang tính biểu tượng do trong thời gian ngắn, các nước chưa thể thay đổi tỷ lệ dự trữ cũng như các chính sách tiền tệ của mình.

Những dự báo chi tiết hơn cho biết, có thể sẽ có đến hàng nghìn tỷ USD chuyển đổi sang NDT và các tài sản liên quan đến Trung Quốc như trái phiếu chính phủ, chứng khoán... Đặc biệt, đồng euro đang có xu hướng bất ổn khi đã giảm xuống sát mốc 1 USD đổi 1 euro. Khi đó, có thể NDT sẽ thay thế euro để trở thành đồng tiền chiếm tỷ trọng lớn trong thanh toán quốc tế cũng như dự trữ ngoại hối.

Ngay cả các cơ quan dự báo quốc tế cũng chưa đánh giá đầy đủ được tác động của sự kiện này đến nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu, bởi vậy sẽ rất khó khăn để ngay thời điểm này đánh giá mức độ tác động của sự kiện tới Việt Nam, bởi thị trường nội địa vốn sẽ bị tác động bởi thị trường quốc tế nói chung.

Tuy nhiên, việc NDT được đưa vào SDR có tác động mạnh nhất đến euro, sau đó là đồng yên. Đồng USD được đánh giá là chịu tác động ít nhất với tỷ trọng giảm rất nhẹ so với 3 đồng tiền còn lại.

Như vậy, kỳ vọng tỷ giá VND với USD và NDT sẽ không có biến động quá lớn, nhưng tỷ giá VND và euro sẽ giảm khá mạnh. Điều này cũng đã được minh chứng trong 3 năm qua, khi VND tăng giá mạnh so với euro, nhưng giảm nhẹ so với USD và NDT.

Bên cạnh đó, dù trong năm 2015, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã có bước phá giá NDT nhưng nhìn chung NDT, VND, yên Nhật là một trong các đồng tiền hiếm hoi tại Châu Á và trên thế giới giảm giá rất ít so với USD, vốn tăng giá như vũ bão trong năm 2015.

Xu thế này được dự báo vẫn sẽ tiếp tục khi sớm hay muộn, Fed cũng sẽ tăng lãi suất. Do mới được đưa vào SDR, cùng với việc muốn duy trì vị thế của NDT, giữ hình ảnh đẹp trong mắt các nhà đầu tư quốc tế nên Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ giữ tỷ giá NDT so với USD ổn định, thay vì có thêm các động thái phá giá tiền tệ.

Như vậy, VND có thể sẽ tiếp tục giảm giá nhẹ so với USD và NDT nhưng tăng giá so với euro, bảng Anh. Bên cạnh đó, với chính sách điều hành tỷ giá ổn định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hy vọng VND chỉ giảm giá nhẹ theo lạm phát với USD và NDT trong ngắn hạn và trung hạn khoảng 1 năm.

Về dài hạn, tình hình tỷ giá sẽ tùy thuộc vào chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, động thái của Fed về việc có thay đổi chính sách tiền tệ hay không và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có thay đổi chính sách như hiện nay. Trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, xác suất ngân hàng trung ương nước này thay đổi chính sách là khá nhỏ trong ngắn hạn.

Tin bài liên quan