Theo ước tính của IMF, số nợ có vấn đề của Việt Nam hiện nay là hơn 12%

Theo ước tính của IMF, số nợ có vấn đề của Việt Nam hiện nay là hơn 12%

Nếu lượng hóa, tái cơ cấu ngân hàng đã đạt 70%

(ĐTCK) Theo nhận định của các chuyên gia, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngành ngân hàng là hai mặt của một đồng xu, cần phải được song hành thực hiện. Theo đó, để giải quyết một cách thực chất, nghị định về thị trường mua bán nợ cần nhanh chóng ra đời và cần sẵn sàng đóng cửa những ngân hàng cỡ trung hoạt động kém hiệu quả…

Tái cơ cấu: đã đi được 70% chặng đường

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, không thể phủ nhận Đề án 254 về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng đã được triển khai rất tích cực, làm sạch và gọn hơn hệ thống ngân hàng, gia tăng tính lành mạnh trong hoạt động của hệ thống, tạo nền tảng cho phát triển giai đoạn tới. Tuy nhiên, hoạt động quản trị rủi ro, điều hành, kiểm toán, kiểm soát nội bộ tại một số tổ chức tín dụng vẫn còn lỏng lẻo.

“Cơ chế, quy định ngân hàng nào cũng có, nhưng chưa thực sự sâu sát, không được vận hành một cách chặt chẽ”, TS. Hiếu cho biết.

Bên cạnh đó, một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa nhận, còn tồn tại tình trạng tập trung vốn tín dụng vào một số ngành và khách hàng (như đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro hoặc mạnh tay cho vay các dự án BOT); cho vay trung dài hạn chưa phù hợp với cơ cấu kỳ hạn nguồn vốn. Song song với đó, tình hình thoái vốn đầu tư của tổ chức tín dụng tại những ngành, lĩnh vực phi tài chính hoặc lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro và tình hình thoái vốn của tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng còn chậm, kết quả đạt được chưa cao.

"Rất khó chẩn đoán đúng sức khỏe hệ thống ngân hàng Việt Nam"

- TS. Nguyễn Trí Hiếu

Đặc biệt, bên cạnh giá trị tuyệt đối tổng tài sản và vốn thấp, hệ số an toàn vốn (CAR) của khối ngân hàng thương mại nhà nước hiện nay bị suy giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, đây là hệ số quan trọng nhất trong các chỉ số, là xương sống của một ngân hàng: CAR thấp, rủi ro cao và hệ số này bị triệt tiêu đồng nghĩa ngân hàng phá sản. Cụ thể, CAR của khối ngân hàng thương mại nhà nước hiện nay ở mức 9,21%, gần chạm ngưỡng tối thiểu 9% theo quy định của NHNN, thấp hơn mức bình quân của ASEAN là 10,3%, trong khi tiêu chuẩn tính CAR của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực.

“Đó là chưa tính đến độ chính xác của con số này, khi nợ xấu lớn còn bị che giấu, hoặc “lãi ảo” xuất hiện trong lãi dự thu… Nhìn chung, nếu loại những món tài sản độc hại ra, chưa chắc CAR đã đạt con số 9%. Phải biết được chính xác hệ số CAR mới có thể xác định rõ ràng ngân hàng đó có ở trong tình trạng tài chính lành mạnh hay không. Do vậy, rất khó chẩn đoán đúng sức khỏe hệ thống ngân hàng Việt Nam, chưa nói đến những khó khăn trong việc thực hiện các giải pháp tăng vốn nhằm đảm bảo năng lực tài chính”, TS. Hiếu nói.

Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Hiếu cho rằng, nếu lượng hóa thành con số, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đi được 70% chặng đường. 

Còn 40% công việc giải quyết nợ xấu

Theo số liệu công bố chính thức, đến cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống là 2,55%, tương đương khoảng 132.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, TS. Hiếu cho rằng, con số này chưa phản ánh chính xác chất lượng tài sản tín dụng trong hệ thống các TCTD Việt Nam hiện nay do các yếu tố. Thứ nhất, số nợ xấu giảm chủ yếu đạt được nhờ xử lý thông qua VAMC, thực chất, đây chỉ là việc khoanh vùng nợ xấu sang một bên. Thứ hai, rất nhiều món nợ được tái cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ thay vì chuyển nhóm, trong khi những món nợ này đã trở thành nợ xấu.

“Để phản ánh chính xác chất lượng tài sản tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam hiện nay, khái niệm “nợ có vấn đề” cần được sử dụng thay thế cho “nợ xấu” và theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), số nợ có vấn đề của Việt Nam hiện nay là hơn 12%”, báo cáo đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2016 của Trung tâm Nghiên cứu BIDV nhận định.

Theo VAMC, tính đến 30/4/2016, VAMC đã mua được 24.560 khoản nợ tại 41 tổ chức tín dụng, với tổng dư nợ gốc gần 250.000 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, việc chưa giải quyết dứt điểm nợ xấu có ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, đồng thời, gây áp lực đến lãi suất cho vay và tạo rủi ro thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, cũng như toàn nền kinh tế.

“Sự liên quan mật thiết giữa nợ xấu của tổ chức tín dụng với nợ đọng xây dựng cơ bản và nợ lẫn nhau của hệ thống doanh nghiệp khiến nợ xấu vẫn đang là vấn đề nổi cộm ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh của nền kinh tế. Việc xử lý nợ xấu đòi hỏi sự tập trung giải quyết kịp thời, sát sao hơn nữa trong thời gian tới”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhận định.

TS. Hiếu nhận định: “Dẫu sao, việc khoanh được nợ xấu vào một góc cũng giúp tiến trình này đi được 60% đoạn đường”. 

Và những khuyến nghị…

Bà Izumi Devalier, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Việt Nam, Khối nghiên cứu kinh tế HSBC nhận định, tái cơ cấu là điều cần thiết nhằm đảm bảo sự tăng trưởng của Việt Nam ổn định về lâu dài, cũng như không rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Những cải cách cần thiết mang tính cấu trúc đều nhằm đạt được một mục tiêu chung: giảm ảnh hưởng của nhà nước lên nền kinh tế và tạo điều kiện cho thị trường giữ vai trò quyết định hơn trong nền kinh tế, thúc đẩy quá trình tái phân bổ nguồn lực. Điều này rất quan trọng vì Việt Nam sẽ không thể mãi dựa vào tăng trưởng đầu vào (tận dụng nguồn lao động giá rẻ và dư thừa). Khi lợi thế về nguồn lao động của Việt Nam giảm dần, việc phân bổ vốn hiệu quả hơn nhằm nâng cao năng suất là điều trọng yếu.

“Để đạt được điều này, chúng tôi cho rằng, cần đẩy mạnh cải cách khu vực ngân hàng, kể cả đóng cửa những ngân hàng cỡ trung hoạt động kém hiệu quả và nới lỏng quy định sở hữu”, bà Izumi Devalier nhấn mạnh

BIDV cho rằng, NHNN cần sớm hoàn thiện nội dung dự thảo nghị định về thị trường mua bán nợ theo hướng gỡ bỏ tối đa các rào cản, tạo điều kiện thu hút các tổ chức, cá nhân có thể tham gia vào thị trường mua bán nợ. Bên cạnh đó, cần có cơ chế đặc thù cho VAMC.

Thứ nhất, có cơ chế riêng tiến hành các thủ tục pháp lý khi xử lý tài sản bảo đảm theo hướng nhanh gọn, thủ tục đơn giản; được hợp thức hóa các tài sản chưa rõ ràng về pháp lý để xử lý/chuyển nhượng, tạo thanh khoản;

Thứ hai, được bán nợ, bán tài sản cho nước ngoài, các đơn vị, cá nhân không có chức năng mua-bán nợ;

Thứ ba, Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định và hướng dẫn triển khai thực hiện việc miễn giảm các loại thuế liên quan đến việc xử lý, phát mại tài sản bảo đảm (ví dụ, thuế thu nhập của cá nhân hoặc DN khi chuyển nhượng tài sản bảo đảm là bất động sản), đặc biệt là các tài sản của các khoản nợ đã bán cho VAMC.

“Ngoài ra, NHNN cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa bổ sung Quyết định 618/QĐ-NHNN theo hướng mở rộng đối tượng được mua bán nợ theo giá thị trường của VAMC, cùng với việc sớm ban hành Nghị định thị trường mua - bán nợ như đã nêu”, một lãnh đạo BIDV nhấn mạnh.    

Tin bài liên quan