Phát biểu ý kiến tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tiếp tục nâng cao năng suất, tạo đòn bẩy cho phát triển bền vững thời gian tới.
Toàn cảnh diễn đàn
Cụ thể, để nâng cao năng suất vốn, hiệu quả sử dụng nguồn lực, Việt Nam đang tiến hành cải cách mạnh mẽ hệ thống ngân hàng, các thị trường tài chính theo hướng tăng quy mô, tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh.
Thứ hai, năng suất lao động là một cơ sở và động lực chính, không chỉ cho sự phát triển của từng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cho tăng trưởng kinh tế nói chung mà còn cải thiện thu nhập và phúc lợi của người dân.
Để cải thiện năng suất lao động, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, nguồn lực xã hội đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục và đào tạo nhằm cải thiện trình độ và kỹ năng lao động, giúp người lao động có thể phát triển sinh kế, làm chủ được sự nghiệp của bản thân, có động cơ làm việc tốt hơn, phát huy tối đa sức sáng tạo.
Vấn đề thứ ba được Thủ tướng chỉ rõ là nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp TFP là nhiệm vụ đang được Chính phủ quan tâm với việc tăng cường đầu tư cho khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, kết nối thông minh, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thể chế pháp luật, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí giao dịch cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, để nâng cao năng suất thành công, Việt Nam đang và sẽ chủ động hội nhập quốc tế trên tinh thần phát huy nội lực, vượt qua thách thức, khai thác có hiệu quả các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA với EU và RCEP.
Thực hiện cam kết trong các FTA sẽ mở cửa nhiều thị trường rộng lớn cho đầu tư thương mại, góp phần chuyển đổi môi trường pháp luật, kinh doanh của Việt Nam tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, thực sự tạo cơ hội và sức ép về nâng cao sức cạnh tranh và năng suất của các doanh nghiệp, qua đó nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế.
Ngoài ra, để có thể thực hiện hiệu quả những biện pháp đòn bẩy tăng năng suất nêu trên, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ kiên định giữ vững ổn định chính trị-xã hội, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, phát huy dân chủ cho mọi người dân, đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm, quyết tâm thực hiện thành công 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Đánh về tình hình tăng trưởng kinh tế năm 2017, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2017 là năm kinh tế Việt Nam gặt hái được nhiều thành công, trong đó thành công lớn nhất là sau nhiều năm, cả 13 mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội giao dự kiến đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Nền kinh tế đang tăng trưởng tốt, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,7%.
Bộ trưởng cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo, điều hành các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 với tinh thần phát huy mạnh mẽ những thành tựu đã đạt được và khắc phục triệt để những hạn chế, tồn tại của năm 2017; tăng cường kỷ cương, nâng cao liêm chính; tranh thủ tốt mọi thời cơ, tận dụng các cơ hội; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; tạo sự đồng thuận cao của toàn hệ thống, hành động quyết liệt, hướng tới phát triển nhanh, bền vững.
Tuy nhiên, đạt được các thành tựu này mới là một khía cạnh, cái được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là vấn đề chất lượng tăng trưởng. Trong đó, một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng tăng trưởng, cũng như cải thiện tốc độ tăng trưởng là năng suất.
Theo số liệu nghiên cứu của WB, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam mới đạt 4%, thấp hơn nhiều so với 7% của Trung Quốc và một số nước trong cùng khu vực.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc tăng năng suất, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện hàng loạt giải pháp thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, áp dụng khoa học, công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
“Mặc dù vậy, nâng cao năng suất đang là một thách thức đối với Việt Nam. Chính phủ rất cần sự hỗ trợ và tham vấn của các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước để tìm ra các giải pháp chính sách phù hợp cụ thể hóa mục tiêu trên”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Cùng cách tiếp cận, ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam, đồng chủ tọa Diễn đàn khẳng định, năng suất lao động là vấn đề rất quan trọng để Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Thời gian qua, Việt Nam đã được nhiều kết quả trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh như chỉ số cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp đã tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, theo số liệu nghiên cứu của WB, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam mới đạt 4%, thấp hơn nhiều so với 7% của Trung Quốc và một số nước trong cùng khu vực.
“Với mức độ tăng thấp như vậy sẽ đe dọa sự tụt hậu, kém hiệu quả trong sử dụng các yếu tố đầu vào. Vì vậy, Việt Nam cần chuyển đổi mạnh mẽ để vươn lên, cải thiện trong chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời, phải có nỗ lực liên tục và có tinh thần quyết tâm; tạo sự minh bạch, huy động nguồn lực tổng hợp để cải thiện, nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, cần đảm bảo sự phát triển của thị trường lao động; gia tăng chất lượng giáo dục, đào tạo theo chuẩn quốc tế để tận dụng thời gian; chủ động chuyển giao, áp dụng những công nghệ mới”, đại diện WB khuyến nghị.
Tương tự, theo đại diện UNDP, nếu không có những cải cách căn bản để tăng năng suất, Việt Nam có nguy cơ tụt hậu so với các nền kinh tế trong khu vực và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Kinh nghiệm của các nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững trên thế giới cho thấy, tăng năng suất là một trong những nhân tố trung tâm và động lực tạo ra sự phát triển bền vững, bứt phá của một quốc gia.
Nếu không có những cải cách căn bản để tăng năng suất, Việt Nam có nguy cơ tụt hậu so với các nền kinh tế trong khu vực và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
- Theo đại diện UNDP
Mặc dù vậy, tại Việt Nam thời gian gần đây nhân tố này lại đang có dấu hiệu chững lại. Do vậy, để tránh nguy cơ tụt hậu, Việt Nam cần khai thác và phát huy được các nhân tố động lực tăng trưởng mới.
Đại diện UNDP đưa ra gợi ý 2 chiến lược nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả và năng suất nền kinh tế, đó là giảm chi phí kinh doanh và tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ.
Việt Nam có thể sử dụng công cụ đòn bẩy như khuyến khích sản xuất các ngành chế biến chế tạo có giá trị gia tăng cao như sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại di động, tăng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu đổi mới và sáng tạo.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tỷ trọng xuất khẩu/GDP hạn chế sử dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu và thương mại, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI để có thể tận dụng được cái lợi ích lan tỏa từ khu vực này.