Việc CTCP Đầu tư thế giới di động (MWG) công bố sẽ đầu tư bước đầu 50 tỷ đồng để phát triển chuỗi cửa hàng bách hóa bán đường sữa, bột giặt, dầu gội và các mặt hàng tươi sống là một sự kiện được nhìn nhận như thế. Bởi kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu và thực phẩm thiết yếu khác hoàn toàn với điện thoại di động và điện máy.
Việc MWG lựa chọn cửa hàng bách hóa kiểu cửa hàng tiện lợi cho thấy, công ty này đang nhắm vào phân khúc trống. Gần như không nhiều DN tham gia phát triển chuỗi cửa hàng này mà thị phần chủ yếu trong tay tiểu thương kinh doanh tại các chợ.
Thực tế là ở các quận trung tâm TP. HCM hiện nay, người tiêu dùng có thói quen đi chợ vào sáng sớm, hoặc đi mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị lớn như Coop Mart, BigC… Nhưng nhược điểm của siêu thị này là thời gian chờ thanh toán rất lâu vào các ngày và giờ cao điểm, gửi xe mất thời gian.
Để phục vụ các khách hàng mua một vài món đồ thiết yếu hoặc thực phẩm đủ dùng cho một bữa cơm, Coop Mart đã từng triển khai các quầy thanh toán ưu tiên cho khách mua dưới 5 món đồ, nhưng xem ra vẫn không hiệu quả vì trong danh sách ưu tiên có cả khách VIP, mà khách VIP mỗi lần thanh toán cả xe hàng…
Trong khi đó, hàng loạt cửa hàng tiện lợi đã có mặt trên thị trường sớm hơn và phát triển khá mạnh gần đây như Circle K, Shop &Go, Family Mart không bán rau củ hay các thực phẩm tươi sống phục vụ bữa cơm hàng ngày. Ở các quận trung tâm TP. HCM, Coop Mart hay Satra Vissan mở một vài cửa hàng bách hóa, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu. Đây chính là dư địa mà MWG nhắm tới. Chưa biết công ty này triển khai thế nào, nhưng việc lựa chọn lĩnh vực kinh doanh mới cho thấy sự nghiên cứu thị trường rất kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, việc bán lẻ thực phẩm tươi sống như thịt, rau củ, trái cây không đơn giản, vì đây là mặt hàng có thời hạn sử dụng ngắn, chủ yếu sử dụng trong ngày. Ở các siêu thị lớn, thực phẩm tươi sống cuối ngày được đưa vào chế biến phục vụ quầy ăn thực phẩm chín của ngày hôm sau.
Chuỗi cửa hàng của MWG sẽ xử lý vấn đề này như thế nào để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, chưa kể quy mô sẽ quyết định giá mua đầu vào khi nhà phân phối đàm phán với nhà cung cấp? Ở phân khúc cao cấp hơn là thực phẩm sạch, thực phẩm dinh dưỡng, thị phần chủ yếu trong tay các chủ tư nhân với một hai cửa hàng có nguồn cung cấp trong nước rất hạn chế, chủ yếu là từ trang trại riêng và hàng nhập khẩu.
Khi được hỏi về xu thế đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp lớn hiện nay, Giám đốc đầu tư một quỹ đầu tư nước ngoài bình luận, họ phải làm thế nếu không muốn làm Kodak! (nhà sản xuất máy ảnh và thiết bị cho nhiếp ảnh nổi tiếng của Mỹ đã phá sản khi có máy ảnh kỹ thuật số).
“Hãy nhìn GE, xuất phát từ sản xuất bóng điện, bây giờ họ làm gì, họ sản xuất động cơ máy bay, họ có công ty tài chính hàng đầu ở Mỹ là những lĩnh vực chẳng liên quan gì đến bóng điện”, ông này nói thêm.
Theo ông thì việc các tập đoàn như Vingroup, Hòa Phát… mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh mới là cần thiết để duy trì được áp lực tăng trưởng 2 con số mỗi năm. Chỉ có điều khi bước vào lĩnh vực mới, làm như thế nào để kiểm soát được rủi ro, nắm bắt cơ hội hay rút lui kịp thời là câu hỏi không đơn giản.