Nếu Covid-19 quay lại và kéo dài thì sao?

Nếu Covid-19 quay lại và kéo dài thì sao?

(ĐTCK) Dù nhiều nền kinh tế đã mở cửa trở lại và xác lập trạng thái bình thường mới, nhưng việc thế giới chưa tìm ra vắc-xin chống Covid-19 khiến các doanh nhân và nhà quản lý đau đầu với câu hỏi: Nếu đại dịch quay lại và kéo dài thì kịch bản ứng phó phải ra sao?

Bà Ðinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam nêu chủ điểm này trong cuộc tọa đàm do VIOD vừa tổ chức.

Ðiều bất ngờ là một số doanh nhân đã chia sẻ quan điểm chủ động xoay chuyển nghịch cảnh, khác hẳn tình trạng bị động và lo sợ bao trùm như lần đầu tiên phải đối diện với một loại dịch bệnh mà loài người chưa tìm ra thuốc chữa.

Trong góc nhìn của Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần Ðầu tư Thế giới di động Nguyễn Ðức Tài, nếu như lần đầu đối diện với đại dịch, việc đau đầu nhất của ông là xây các kịch bản rồi ra “toa thuốc”, huấn luyện nhân viên cách sử dụng loại thuốc nào trong từng tình huống thì lần hai (nếu xảy ra), ông sẽ tính về khả năng “thừa nước đục thả câu” trong giai đoạn kỳ cục của xã hội.

“Cái thế của doanh nghiệp sẽ chuyển từ phòng thủ sang tấn công, tìm kiếm các cơ hội M&A doanh nghiệp khác”, ông nói.

Dịch bệnh đã khiến MWG - doanh nghiệp có 70.000 người lao động, 3.200 cửa hàng giảm 45% lợi nhuận trong tháng 4, nhưng Công ty vẫn đặt mục tiêu 3.450 tỷ đồng lợi nhuận năm 2020, trên cơ sở niềm tin vào chiến lược của người đứng đầu, trước mắt là chuyển đổi linh hoạt từ kinh doanh trực tiếp sang kinh doanh trực tuyến.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Anphanam Nguyễn Ngọc Mỹ thì chia sẻ, kịch bản dịch bệnh quay lại hoàn toàn có thể xảy ra, nên Anphanam đã chủ động đào tạo nhân sự, xây dựng nhân sự kế nhiệm và đặc biệt là chuẩn bị về tài chính, dự trữ tiền mặt, để tăng khả năng thích ứng.

“Dịch bệnh đến một cách bất ngờ khiến chúng tôi nhận ra 2 giá trị căn cốt mà người lãnh đạo cần hun đúc, đó là khả năng thích ứng và khả năng lãnh đạo sự thay đổi. Trong trạng thái bình thường mới, hành vi đầu tư, tiêu dùng của xã hội thay đổi rất nhiều, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, doanh nhân hiểu khẩu vị khách hàng”, bà Mỹ nói.

Sau thách thức về an toàn sinh mạng, dịch bệnh đặt ra thách thức về khả năng phục hồi của các doanh nghiệp, theo đó là các nền kinh tế.

Một cuộc khảo sát của PwC thực hiện với các giám đốc tài chính doanh nghiệp (CFO) trên toàn cầu xung quanh câu hỏi: “Doanh nghiệp cần bao nhiêu thời gian để phục hồi nếu đại dịch kết thúc hôm nay?”, cho ra kết quả đáng chú ý.

Cuối tháng 3/2020, chỉ có 5% CFO cho rằng, doanh nghiệp họ cần trên 12 tháng để phục hồi, nhưng đến cuối tháng 4, có 25% CFO chọn phương án trả lời trên 12 tháng.

Giữa tháng 5/2020, số CFO chọn phương án trên 12 tháng tăng lên đến 29% cho thấy, dịch bệnh càng chậm kết thúc thì mức độ tự tin của nhà quản trị tài chính càng giảm.

Tuy nhiên, khảo sát cũng chỉ ra rằng, 79% CFO tự tin doanh nghiệp của họ sẽ tìm được cơ hội doanh thu mới khi dịch bệnh trở nên quen thuộc, hay nói cách khác là con người chấp nhận trạng thái “sống chung với lũ”. Khảo sát của PwC có 850 CFO tham gia, trong đó có 10 CFO là từ Việt Nam.

Thế giới đang phải hứng chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch cũng như những yếu tố bất định liên tục phát sinh trong môi trường kinh doanh hiện hữu. Vậy ở vị thế của nhà đầu tư, phải làm thế nào để bớt rủi ro khi đánh giá một cơ hội, một doanh nghiệp?

Ông Thomas Rowe Price, người sáng lập ra  T. Rowe Price Associates, nơi quản lý khối tài sản trị giá hơn 1.000 tỷ USD, chia sẻ ý niệm rằng, mọi doanh nghiệp đều do con người tạo nên, phản ánh tính cách, triết lý kinh doanh của những người sáng lập.

Vì thế, nhà đầu tư, nếu muốn hiểu bất kỳ một công ty nào, điều quan trọng nhất là cần phải hiểu về nền tảng của những người sáng lập và lãnh đạo công ty trong quá khứ, cũng như hy vọng và tham vọng của những người đang vạch ra tương lai cho công ty.

Không có cơ hội nào tuyệt đối không rủi ro và nhà đầu tư phải “sống” với hiện trạng này như cách các doanh nghiệp phải “sống” với những rủi ro không thể lường trước.

Tin bài liên quan