1 Cách nay hơn một năm, khi giá nhà đất tại Sài Gòn bắt đầu “ro-đa” khởi động một chu kỳ mới, chị Đoan rủ đồng nghiệp đi coi ra mắt nhà mẫu và mở bán căn hộ tại 1 dự án ở quận 2. Bữa ấy trời nắng chang chang, nhưng ngay ngày đầu mở bán, khách đến rất đông và hơn 122 căn hộ đã bán hết veo. Thậm chí, trong lúc khách còn đang tham quan, khảo giá, thì lệnh của Ban giám đốc truyền tới như “sét đánh ngang tai”: ngưng bán! Khách hàng vội vàng mua và thậm chí có người từ Bình Dương xuống đặt “sỉ” 10 căn còn năn nỉ giống như thời bao cấp vậy. Chị Đoan ban đầu thấy vậy cũng đặt 2 căn, nhưng đến ngày đặt cọc, chị lại lặng lẽ rút lui. Chị về nói chuyện với tôi: “Con đường ấy đông xe quá, chị rất ngại. Hơn nữa, ông cò đất dắt chị tới có hứa là kiếm cho miếng đất nền đối diện dự án ấy, mà giá chỉ 14 triệu đồng/m2 thôi. Trong khi tụi mình coi tới coi lui, giá căn hộ thấp nhất cũng là 16,3 triệu đồng/m2 rồi. Thôi, mua đất nền vậy!”.
Khi ấy, tôi thấy không tin lắm về thông tin giá đất nền 14 triệu đồng/m2, vì đất quận 2 ở quanh khu vực đường Đồng Văn Cống chẳng thể nào tìm được giá rẻ vậy. Nhưng thôi, ép dầu mỡ chứ ai nỡ ép mua nhà, mà giá nhà đất ai đoán định được. Giờ “xúi” bạn mua, nếu giá đất lên thì vui, còn nếu giá đất xuống thì chẳng khác gì rơi vào một trong bốn cái ngu “làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”.
Được vài bữa, chị Đoan lại về đưa cho chúng tôi một xấp poster dự án đất nền ở quận 2. Theo chị, giá đất ấy khá ổn. Hơn nữa, theo tính toán của chị, con đường vành đai rất gần để ra cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Nhà chị có 1 căn hộ tại Vũng Tàu, nếu mua đất xây nhà ở đây, thì đi xoẹt 1 tiếng đồng hồ là tới. Hơn thế nữa, chị cũng có miếng đất vườn mấy ngàn m2 tại Long Thành. Dù miếng đất vườn ấy giờ chưa có đường bộ đi vô, mỗi lần tới là phải thuê mướn ghe đi bằng đường sông, nhưng với tốc độ phát triển đô thị ở phía Đông Sài Gòn như hiện nay, chẳng mấy chốc mà đất vườn biến thành đất thổ cư. Tài sản được ở gần nhau dễ quản lý, nên chị Đoan rất muốn mua miếng đất nền kia để xây nhà. Nghe nói, chủ đầu tư tặng thêm cái móng nhà cả trăm triệu nữa.
Nghe chị háo hức kể, chúng tôi đều vui lây. Nhưng chỉ vài bữa, lại nghe chị nói thôi, vì chị thấy xe cộ chạy rầm rập trên con đường này ra Cảng Cát Lái. Người ta xây đường xá cầu cống thế nào chưa biết, chứ giờ len lỏi đi xe qua sợ quá. Vậy là dừng lại hết các dự định. Cứ như thế, chị Đoan chỉ nhìn thấy mặt yếu của dự án, mà chẳng thấy được mặt mạnh của nó, nên quyết định không xuống khoản tiền nào.
Trong khi đó, người bạn đi cùng chị Đoan mua 3 căn hộ trên đường Đồng Văn Cống, 4 tháng sau sang lại lời mỗi căn 50 triệu đồng (hiện tiền chênh đã lên 160 triệu đồng). Chị Đoan có vẻ không tin, cứ hỏi đi hỏi lại mãi. Tới khi tận mắt chứng kiến người mua qua nhà người bạn đặt cọc, chị mới tin thật. Nhưng giờ muốn mua thì giá đã lên mất rồi!
2 Trong những comment của một bài báo nói về việc dân đầu tư và tất nhiên cả đầu cơ, bắt đầu đổ tiền vào bất động sản, chờ đợi vòng quay thị trường mới, có vài ý kiến cho rằng, lỗi của truyền thông là thổi phồng lên điều này khiến thị trường không có thực. Quả “bong bóng” đó rồi sẽ xẹp ngay thôi. Người ta vẫn chờ đợi bóng xẹp lép đi để đủ tiền mua nhà. Và hồ hởi khi nghe thấy thông tin ở đâu đó nhà đầu tư chết giấc vì thua lỗ, như thời điểm “bỏng rãy” của cơn sốt đất. Nhưng những việc đó dành cho nhà đầu tư.
Với người mua nhà để ở, nên chọn thời điểm “vàng” để xuống tiền. Người ta thường đổ lỗi cho các chuyên gia khi tư vấn một đằng, mà thị trường một nẻo. Chuyện đó cũng hết sức bình thường. Các chuyên gia đưa ra nhận định theo khả năng phán đoán và nắm bắt dữ liệu, cũng như xu hướng thị trường. Nhưng “cây đời thực tế” thì nhiều lúc trổ ngọn sang trái, sang phải một cách không theo quy luật nào cả. Vậy sao có thể trách ai! Khi lãi suất xuống thấp mà bạn có thể kham nổi; khi “cảm giác” giá đã ok nhất; khi nhu cầu cuộc sống rất cần có một nơi ổn định để an cư lạc nghiệp…, thì đó chính là thời điểm bạn cần dũng cảm buông gói tiền đã cất kỹ trong két để sở hữu căn nhà. Đừng quá AQ để chờ giá xuống thấp hơn nữa, vì chất lượng cuộc sống quan trọng hơn bất cứ điều gì. Đồng tiền làm ra không phải để ngắm, mà để phục vụ cho mình.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com |