Cụ thể, không chỉ sử dụng nước hiệu quả trong sản xuất và quản lý nguồn nước bền vững, Nestlé Việt Nam và La Vie sẽ mở rộng hợp tác hơn nữa với nhiều đối tác, như doanh nghiệp, nhà nông, cộng đồng, chuyên gia, nhằm giúp tái tạo hệ sinh thái nước địa phương.
Trong đó, mục tiêu từ năm 2025 trở đi, La Vie - thành viên thuộc lĩnh vực nước của Nestlé - sẽ không chỉ hoàn trả đến cộng đồng và môi trường 100% lượng nước sử dụng trong hoạt động sản xuất như công bố vào tháng 3/2021, mà còn góp phần hỗ trợ bảo tồn nước trong tự nhiên.
Các nỗ lực này nhằm hiện thực hóa cam kết mạnh mẽ vừa được Tập đoàn Nestlé công bố trên toàn cầu vào ngày 29/6, trong bối cảnh vòng tuần hoàn nước trong tự nhiên đang chịu ảnh hưởng ngày càng lớn từ các yếu tố, như biến đổi khí hậu, tiêu dùng nước gia tăng, đô thị hóa và sự xuống cấp của các cơ sở hạ tầng nước.
Với cam kết mới, Nestlé sẽ vận dụng chuyên môn về lĩnh vực nước, đồng thời hợp tác với các chuyên gia quốc tế và đối tác để nâng cao việc tái tạo các vòng tuần hoàn nước tại địa phương.
Tập đoàn có kế hoạch đầu tư 120 triệu franc Thụy Sĩ (tương đương 130 triệu USD) để thực hiện hơn 100 dự án trên toàn cầu.
Các dự án này được điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu và thách thức thực tế của từng địa phương, như hỗ trợ tái tạo rừng, tái tạo các vùng ngập nước tự nhiên, cải tạo hạ tầng nước. Mỗi dự án cũng tính toán cụ thể lượng nước đóng góp cho cộng đồng và môi trường dựa trên phương pháp của Viện Tài nguyên thế giới (WRI).
Trong đó, La Vie đang hỗ trợ doanh nghiệp khác về các giải pháp chuyên môn kỹ thuật và đầu tư một số thiết bị, qua đó giúp doanh nghiệp này giảm được 80% lượng nước dùng cho hệ thống làm mát máy móc, góp phần hạn chế việc sử dụng nước từ tự nhiên.
La Vie cũng sẽ nghiên cứu việc mở rộng hợp tác để doanh nghiệp khác có thể tái sử dụng nguồn nước thải loại A từ các nhà máy của La Vie cho một số khâu trong sản xuất công nghiệp mà đang sử dụng nước ngầm.
Đồng thời, với chương trình phát triển cà phê bền vững Nescafé Plan của Nestlé Việt Nam, thông qua kỹ thuật tưới tiêu dễ thực hành, người nông dân trồng cà phê hiện có thể tiết kiệm được hơn 40% lượng nước mà vẫn đạt được năng suất cây trồng như mong muốn.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), trung bình nông nghiệp chiếm gần 70% lượng nước được hút từ nước mặt hay nước ngầm trên toàn cầu, chủ yếu cho tưới tiêu; sản xuất công nghiệp chiếm 19%. Vì thế, các giải pháp tiết kiệm nước trong hai hoạt động này có ý nghĩa giúp giảm việc khai thác nước từ tự nhiên.