Neobank, mô hình ngân hàng số phù hợp cho Việt Nam

Neobank, mô hình ngân hàng số phù hợp cho Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với những thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0, chuyển đổi số là xu hướng đã và đang diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây trên mọi lĩnh vực.

Là một trong những ngành xương sống, đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia, được nêu trong “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tài chính - ngân hàng là một trong những ngành được chú trọng ưu tiên trong việc chuyển đổi số.

Chuyển đổi số đối với ngành ngân hàng là các dịch vụ khách hàng được chuyển đổi sang môi trường internet. Cụ thể, đây là sự cải tiến dịch vụ, tự động hóa quy trình, trải nghiệm khách hàng, cũng như tích hợp dữ liệu. Qua đó, ngân hàng có thể giảm thiểu tương tác trực tiếp và mang đến cho khách hàng các dịch vụ số toàn diện.

Ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch Công ty Kiểm toán và Tư vấn RSM Việt Nam

Ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch Công ty Kiểm toán và Tư vấn RSM Việt Nam

Chuyển đổi số là điều tất yếu các ngân hàng phải thực hiện để bắt kịp xu hướng thị trường, gia tăng trải nghiệm và đáp ứng được những nhu cầu, yêu cầu ngày càng cao và phức tạp của khách hàng. Ví dụ, khách hàng hiện đại kỳ vọng ứng dụng di động mà ngân hàng cung cấp được tích hợp các tính năng đa dạng như thanh toán hóa đơn, mua sắm, tiết kiệm, đầu tư..., chứ không chỉ vài tính năng chuyển tiền hay kiểm tra số dư đơn thuần.

Theo báo cáo Digital 2022 của tổ chức WeAreSocial, dân số Việt Nam có hơn 98,5 triệu người với 72,8% ở độ tuổi trưởng thành và 73,2% dân số sử dụng internet. Bên cạnh đó, 36,5% người được khảo sát thường sử dụng internet để quản lý tài chính và 27% người sử dụng các website, ứng dụng ngân hàng mỗi tháng. Những con số này cho thấy lượng khách hàng tiềm năng vô cùng to lớn cho việc chuyển đổi số của các ngân hàng tại Việt Nam.

Nhận thấy tiềm năng đó, Chính phủ cũng đã nhấn mạnh việc thúc đẩy kinh tế số nói chung và chuyển đổi số ở ngành tài chính - ngân hàng nói riêng tại Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Để có thể triển khai thống nhất trên toàn hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành và tổ chức triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch thúc đẩy số hóa trong hệ thống các ngân hàng và tổ chức tín dụng.

Trong những năm gần đây, hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam đã có những bước tích cực đáng kể trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, vào tháng 9/2020, có 95% ngân hàng thương mại đang hoặc có kế hoạch xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 42% ngân hàng đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số và 39% ngân hàng đã phê duyệt chiến lược nhằm phát triển kinh doanh và công nghệ thông tin.

Hiện nay, hầu hết các ngân hàng thương mại tại Việt Nam đã cho ra mắt các ứng dụng di động với sự đa dạng tính năng và độ tiện ích tùy vào quy mô và nguồn lực của mỗi ngân hàng. Có thể nói, các ứng dụng ngân hàng đón nhận nhiều hưởng ứng tích cực của khách hàng. Đặc biệt, sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 được đánh giá là cú huých đối với xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó các ngân hàng số được phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và giá trị giao dịch.

Theo số liệu từ Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ số hóa nhanh đáng kể trong các hoạt động chuyển đổi số ngân hàng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán qua internet tăng 63,2% về số lượng và 32,3% về giá trị, qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3% và 84,3% về số lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, những ứng dụng online banking trên thị trường đa số chỉ dừng lại như một tính năng mở rộng của các ngân hàng. Chẳng hạn, đối với một số tính năng khởi tạo khoản vay, khách hàng vẫn phải đến thực hiện trực tiếp tại phòng giao dịch. Ngoài ra, các ứng dụng này cũng kém hơn so với ví điện tử hay các sản phẩm Fintech (tài chính công nghệ) trong việc kết nối với những nền tảng khác.

Mô hình Neobank

Dưới áp lực cạnh tranh với các tổ chức Fintech ngày càng gay gắt, neobank (ngân hàng số), dù chỉ mới xuất hiện khoảng hơn một thập kỷ nhưng mô hình này ngày càng phổ biến trên thế giới, được đánh giá là mô hình kinh doanh có tính khả thi cao dành cho các ngân hàng thương mại tại thị trường Việt Nam khi thực hiện chiến lược chuyển đổi số.

42% ngân hàng đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số và 39% ngân hàng đã phê duyệt chiến lược nhằm phát triển kinh doanh và công nghệ thông tin.

Ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch Công ty Kiểm toán và Tư vấn RSM Việt Nam

Neobank được định nghĩa là ngân hàng số trên di động 100% vì không có chi nhánh hay phòng giao dịch trực tiếp. Ngân hàng số tận dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo để cung cấp các dịch vụ mang tính cá nhân hóa cao cho khách hàng như cho vay, đầu tư hay thẻ tín dụng.

Có thể nói, đặc điểm nổi bật của neobank là trải nghiệm số toàn diện của khách hàng khi sử dụng dịch vụ. Kênh giao tiếp duy nhất của neobank là thông qua internet hoặc ứng dụng trên điện thoại di động.

Qua đó, khách hàng có thể đăng ký và sử dụng dịch vụ tức thời, nhanh chóng mà không cần quá nhiều thủ tục, giấy tờ hay phụ thuộc vào sự hỗ trợ của nhân viên ngân hàng. Nhờ tận dụng lợi thế công nghệ số, không cần nguồn nhân lực lớn và cơ sở vận hành vật lý đắt đỏ, mô hình ngân hàng số thường lấy khách hàng làm trọng tâm với chi phí thấp.

Mô hình neobank có thể được thành lập bởi một ngân hàng truyền thống hoặc từ mối quan hệ hợp tác giữa ngân hàng và một tổ chức Fintech. Vì hiện tại, Việt Nam chưa cung cấp giấy phép riêng cho ngân hàng số nên neobank phải hoạt động theo giấy phép kinh doanh của ngân hàng mẹ. Tuy vậy, ngân hàng truyền thống và neobank có thể sẽ tiếp tục phát triển song song, mang thương hiệu riêng, định vị tại các phân khúc khách hàng khác nhau và phục vụ nhu cầu đa dạng của người dùng.

Các neobank được thành lập bởi ngân hàng truyền thống mang những lợi thế nhất định. Mô hình kinh doanh mới cho phép ngân hàng hiện thực hóa chiến lược như thu hút khách hàng mới, huy động vốn hay bán thêm, bán chéo dịch vụ của ngân hàng mẹ. Các ngân hàng số thuộc ngân hàng truyền thống có nền tảng tài chính vững chắc khi tiết kiệm được chi phí vận hành, do dù hoạt động khá độc lập nhưng vẫn chịu sự quản lý chặt chẽ của ngân hàng mẹ nhằm tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, các ngân hàng truyền thống phải đối mặt với thách thức về chi phí thiết lập mô hình mới, nền tảng công nghệ vững chắc và đào tạo kỹ năng mới cho nhân lực khi tự thành lập neobank như một công ty con hay bộ phận của ngân hàng. Một trong những giải pháp đáng được các ngân hàng thương mại cân nhắc là kết hợp cùng tổ chức Fintech để thành lập neobank.

Việc hợp tác này cho phép các bên đồng thời phát triển tối ưu những thế mạnh của mình. Các đơn vị Fintech có lợi thế về công nghệ và kinh nghiệm trong vận hành front-end các dịch vụ tài chính nền tảng số. Trong khi đó, ngân hàng truyền thống sẽ là “trụ cột” back-end với kiến thức và kinh nghiệm nghiệp vụ ngân hàng dày dặn. Từ đó, việc kinh doanh ngân hàng số diễn ra hiệu quả, đáp ứng được các nhu cầu của người dùng, trong khi áp lực tài chính cho chuyển đổi không quá lớn.

Dẫu vậy, bài toán thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng nói chung hay phát triển mô hình neobank nói riêng không chỉ dừng lại ở việc đầu tư chuyển đổi, mà còn là việc khung pháp lý hiện tại còn chậm hơn so với tốc độ phát triển công nghệ.

Hiện nay, tốc độ phát triển công nghệ đang rất nhanh, thay đổi và cải tiến liên tục theo từng ngày, nhưng các quy định pháp lý lại chưa theo kịp.

Ngoài việc chưa ban hành giấy phép kinh doanh độc lập cho ngân hàng số, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa có quy định cụ thể về các sản phẩm, dịch vụ số, khuôn khổ pháp lý chưa chặt chẽ trong việc bảo vệ người dùng.

Nhằm tăng cường chiến lược chuyển đổi số ngân hàng cũng như phát triển ngân hàng số, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi và bổ sung các nội dung phù hợp cần được luật hóa, đặc biệt là liên quan đến áp dụng công nghệ và đảm bảo an toàn thông tin. Đồng thời, hành lang pháp lý đầy đủ cho hệ sinh thái gồm cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng, khách hàng và bên thứ ba có liên quan.

Thực hiện chuyển đổi số không còn là lựa chọn của các ngân hàng thương mại nữa, mà là hướng đi tất yếu để hệ thống ngân hàng Việt Nam nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh và khả năng mở rộng thị trường. Trong đó, ngân hàng số neobank đang là xu hướng trên thế giới và được xem là mô hình phù hợp đối với thị trường Việt Nam hiện tại.

Mặc dù mở ra nhiều cơ hội, song cũng không ít thách thức được đặt ra với ngành ngân hàng khi phát triển neobank. Để giải quyết vấn đề này, cả Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại cùng các tổ chức Fintech cần nhanh chóng nắm bắt xu thế phát triển, phối hợp và sớm đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn.

Tin bài liên quan