Neo tỷ giá, sự thất bại mang tên Thụy Sỹ

Neo tỷ giá, sự thất bại mang tên Thụy Sỹ

(ĐTCK) Quyết định phá bỏ trần tỷ giá 1,2 franc đổi 1 euro duy trì suốt 3 năm qua của Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ mới đây, được chuyên gia phân tích tài chính Dennis Garman bình luận là bước đi tồi tệ nhất của một ngân hàng trung ương mà ông từng chứng kiến.

“Tôi cho rằng, đây thực sự là một quyết định ngu ngốc và nó đã gây thiệt hại khủng khiếp với rất nhiều người. Thụy Sỹ đã không hề phát đi tín hiệu nào trước động thái này. Can thiệp để bảo vệ đồng nội tệ là một việc làm khá khó khăn, song can thiệp để kéo tỷ giá đồng nội tệ xuống thấp hoặc giữ nó ở mức thấp thì lại rất dễ”, Garman gay gắt chỉ trích.

Được biết, với quyết định nói trên, đồng franc Thụy Sỹ ngay lập tức tăng giá 28% so với euro, khiến Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ thiệt hại hàng tỷ USD, thị trường chứng khoán Thụy Sỹ cũng chịu tác động mạnh. 

Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan Chiến lược các thị trường toàn cầu tại Brown Brothers Harriman, Marc Chandler nhận định, quyết định của Thụy Sỹ là một phần trong chiến lược chống giảm phát. Trước năm 2011, khi Ngân hàng Trung ương nước này thực hiện trần lãi suất, họ đã cố mua vào các trái phiếu nước ngoài như là một biện pháp nới lỏng định lượng (QE). Tuy nhiên, Thụy Sỹ đã thất bại trong việc chống giảm phát và buộc phải bỏ trần tỷ giá.

“Động lực thực sự đằng sau quyết định của Thụy Sỹ không phải là Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), mặc dù tôi đồng ý rằng khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ mua vào các loại trái phiếu chính phủ trong Eurozone tại cuộc họp sắp tới có tác động phần nào tới chiến lược của Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ. Điểm mấu chốt ở đây là giá dầu, giá hàng hóa đã bị tụt dốc đáng kể trong thời gian qua và nhiều nước đang phải vật lộn đối phó với tình trạng giảm phát”, Chandler bình luận.

Theo ông Chandler, tiền tệ chỉ là một phần trong dự trữ toàn cầu, nhưng biến động của nó có ảnh hưởng quan trọng đối với các nhà đầu cơ, bên cạnh một số chỉ dấu đáng quan tâm khác, đang gây ra nhiều sức ép đối với hàng loạt quốc gia như giá dầu sụt giảm, giảm phát hay tăng trưởng kinh tế thấp. Đây là những thách thức không chỉ với Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ mà còn đối với tất cả các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới.

Dưới góc nhìn của một nhà đầu tư, tỷ phú Mario Gabelli đánh giá: “Sự thay đổi chính sách tiền tệ của Thụy Sỹ tạo ra nhiều động lực và người Thụy Sỹ sẽ làm những gì họ cần làm. Động thái đó tuy bất ngờ, nhưng khiến các nhà đầu tư phải chú ý và tập trung hơn vào những gì họ nên làm với số tiền đầu tư của mình, thay vì đổ vào những danh mục đầu tư truyền thống”.

Về phần mình, Giám đốc điều hành BK Asset Management, Boris Scholossberg cho rằng, quyết định bỏ neo tỷ giá là minh chứng cho thấy sự thất bại trong chính sách của Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ: “Đây là điều thực sự gây ngạc nhiên. Mọi người đều nghĩ rằng chính thị trường sẽ là nhân tố kéo tỷ giá đồng franc so với đồng euro xuống. Tôi cho rằng, Thụy Sỹ nhận ra họ không thể giữ được tỷ giá nếu ECB quyết định bơm thêm tiền ra thị trường tại cuộc họp sắp tới”.

Nhà kinh tế trưởng tại Raymond James, Scott Brown thì cho rằng, Eurozone đang bước vào giai đoạn khủng hoảng nguy hiểm mới. Các chính sách tài khóa có vẻ rất hiệu quả, song bế tắc chính ở đây là khía cạnh chính trị, khiến ECB chỉ còn một vũ khí kích thích duy nhất là thực hiện nới lỏng định lượng (QE). Hiện tại, mục tiêu chủ yếu là kiểm soát và ngăn chặn giảm phát trong khối.

Chỉ hai năm trước, dòng vốn ồ ạt chảy vào Đức để tìm kiếm sự an toàn trong bối cảnh lo ngại Eurozone khủng hoảng, thì nay dòng vốn đó lại đang dịch chuyển vào Thụy Sỹ và Mỹ. Do đó, giới phân tích hiện tập trung vào những diễn biến sắp tới của ECB. Một gói QE gần như là điều chắc chắn, chỉ có điều nó sẽ được thực hiện với quy mô đến đâu mà thôi. 

Tin bài liên quan