Ông nhìn nhận về mô hình phát triển hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam thời gian qua như thế nào?
Kể từ khi các vấn đề nội tại của hệ thống ngân hàng bùng phát vào năm 2011, chúng ta có thể thấy nhiều biện pháp đã được thực hiện để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ cũng đã làm được nhiều việc cho thấy nỗ lực tập trung hỗ trợ cho khu vực ngân hàng thông qua việc tăng cường thanh khoản, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, không gián đoạn và cam kết sẽ không có ngân hàng nào phá sản. Thêm vào đó, việc thành lập Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhằm rút bớt các khoản nợ xấu ra khỏi hệ thống ngân hàng cũng là một bước đi đúng.
Theo ông, thách thức lớn nhất hiện nay của khu vực ngân hàng là gì?
Đó là câu chuyện nợ xấu, nhưng điều đáng nói chính là cách thức Việt Nam giải quyết nợ xấu lại khác so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ở nhiều nước, chính phủ có các quy tắc và công cụ chuyên biệt để giải quyết vấn đề nợ xấu, mà quan trọng nhất là thiết lập khuôn khổ pháp lý cho phép các ngân hàng tự loại bỏ nợ xấu khỏi báo cáo tài chính, bán lại nợ xấu cho các định chế chuyên giải quyết nợ xấu. Chính vì vậy, có sự tách bạch ở đây giữa ngân hàng thương mại, vốn tập trung vào công việc kinh doanh chính là cho vay, với ngân hàng “xử lý nợ” được thành lập để chỉ chuyên mua các khoản nợ xấu từ các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao và ngân hàng này sẽ tập trung tái cơ cấu các khoản nợ xấu, thu hồi tài sản thế chấp.
VAMC đã được thành lập và thu mua nợ xấu từ một số ngân hàng, nhưng cá nhân tôi vẫn chưa thấy nhiều chuyển biến thực chất và đáng kể nào trong việc giải quyết nợ xấu và có lẽ sẽ phải mất thêm nhiều thời gian nữa. Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta vẫn chưa có những thông tin rõ ràng rằng, các khoản nợ xấu sau khi về VAMC sẽ được giải quyết như thế nào? Tôi nghĩ, có thể là do nhiều trong số các khoản nợ đó liên quan đến vấn đề sở hữu chéo, cho vay giữa các bên có liên quan, cho vay các công ty nhà nước… Chính vì vậy, việc phân loại, xử lý các khoản nợ này sẽ rất phức tạp và mất thời gian.
Song song với các khoản nợ xấu, thì vấn đề cốt lõi của hệ thống ngân hàng mà hầu như chưa được xử lý quyết liệt chính là quản lý rủi ro và quản trị ngân hàng. Nếu không xác định được rõ ràng các vấn đề đang gặp phải ở hai lĩnh vực này, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục đi vào vết xe đổ.
Mối liên hệ giữa cho vay và phân bổ vốn
với tăng trưởng kinh tế là vô cùng chặt chẽ
IFC có khuyến nghị gì với Chính phủ và NHNN Việt Nam để củng cố hệ thống ngân hàng và sẵn sàng cho chu kỳ phát triển mới?
Hiện đang có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài có chuyên môn và tiềm lực về vốn sẵn sàng đầu tư vào thị trường nợ xấu ở Việt Nam, cũng có rất nhiều nhà đầu tư thực sự quan tâm tới việc giúp đỡ các ngân hàng trong vấn đề giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, câu chuyện này liên quan nhiều đến vấn đề khuôn khổ pháp lý mà hiện vẫn chưa có hướng xử lý.
Bên cạnh đó, như tôi đã nói, thách thức cơ bản đối với cả hệ thống tài chính, ngân hàng hiện nay là ở hai lĩnh vực quản lý rủi ro và quản trị ngân hàng. Nếu các ngân hàng vẫn chưa thể “ngộ” ra nguyên nhân gốc rễ của nợ xấu, vẫn không thể xác định được các điểm yếu trong hệ thống quản lý rủi ro và quản trị hoạt động của ngân hàng, để từ đó có biện pháp khắc phục, duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, thì sẽ rất khó để tiếp tục cho vay hiệu quả mà không lâm vào rủi ro tín dụng.
Hoạt động của một tổ chức tín dụng luôn chứa đựng rủi ro, vì vậy, các nhà đầu tư sẽ quan tâm đến vấn đề này trước tiên. Khi chúng tôi đầu tư vào một ngân hàng, ngoài việc xem xét vấn đề cơ sở vốn và tiềm năng phát triển, thì sẽ phải chắc chắn rằng, ngân hàng đó có một hệ thống quản lý rủi ro tốt và quản trị ngân hàng được thực hiện một cách minh bạch. Tuy nhiên, quản lý rủi ro của không ít ngân hàng Việt Nam vẫn chưa tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế; cả các báo cáo tài chính cũng vậy.
Hệ thống ngân hàng ở Việt Nam vẫn là kênh phân bổ vốn chủ yếu của nền kinh tế nên mối liên hệ giữa cho vay và phân bổ vốn với tăng trưởng kinh tế là vô cùng chặt chẽ. Việt Nam mới trở thành nước có thu nhập trung bình và có thể dễ dàng nhận thấy rằng, ở một số nền kinh tế khác trong khu vực, trong những năm đầu khi mới đạt ngưỡng thu nhập trung bình thì tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì ở mức 8 - 9%/năm. Còn Việt Nam thì từ năm 2011 tới nay chỉ tăng trưởng quanh mức 5%. Do vậy, nếu muốn trở thành nước có thu nhập trung bình cao hơn và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì cần phải hiện thực hóa được các tiềm năng tăng trưởng. Tôi nghĩ rằng, tất cả mọi người đều tin rằng, Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng 7,5 - 8,5%/năm trước đây, nhưng điều này sẽ chỉ có thể xảy ra nếu cải cách thực sự đi vào chiều sâu và triệt để, tập trung tái cơ cấu khu vực ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước.
Giải quyết những vấn đề trên mang tính quyết định đối với triển vọng của khu vực ngân hàng cũng như tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong tương lai, khi nó giúp các ngân hàng có thể tiếp tục cho vay có hiệu quả phục vụ sản xuất và không phải e ngại rủi ro nợ xấu. Vì vậy, một khuyến nghị luôn có giá trị vẫn sẽ là tập trung vào quản lý rủi ro, quản trị ngân hàng và giám sát, xóa bỏ sở hữu chéo để giảm thiểu tình trạng cho vay giữa các bên liên quan. Đồng thời, Chính phủ nên xem xét nâng trần sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài, giúp các ngân hàng Việt Nam có thể tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế về hoạt động ngân hàng, kinh nghiệm quản lý và tận dụng được những tiềm năng của mình. Hiện thị trường dịch vụ ngân hàng bán lẻ và dịch vụ ngân hàng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển và các nhà đầu tư nước ngoài sẽ sẵn sàng tham gia cùng các ngân hàng trong nước nếu cơ hội đủ hấp dẫn.
Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới. Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới” |