Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế độc lập

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế độc lập

Nên tiếp tục không cho nhập vàng

Giá vàng trong nước hiện đang cao hơn giá thế giới khoảng 3 triệu đồng/lượng. Một trong những lý do là Ngân hàng Nhà nước chưa cho nhập khẩu vàng để cân đối cung cầu.

Điều khiến một số người băn khoăn là tại sao trước đây Ngân hàng Nhà nước nói mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế khoảng 400.000 đồng/lượng là hợp lý, nhưng nay lại không cho nhập khẩu để giảm mức chênh lệch giá. Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế độc lập, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng tạm thời nên tiếp tục không cho nhập khẩu vàng.

 

Giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới khoảng 3 triệu đồng/lượng. Điều đáng quan tâm nhất của con số này là gì?

Có lẽ điều chúng ta quan tâm nhất là liệu mức chênh lệch này có đưa đến sự bất ổn cho tiền đồng hay không. Về lý thuyết, nếu có sự chênh lệch giá này, trên thị trường sẽ xuất hiện những người đầu tư và đầu cơ mua vàng vào. Và nếu số lượng vàng trong nước ít, nhu cầu lại cao, trong khi Việt Nam không phải là nước sản xuất ra vàng mà phải nhập khẩu thì sẽ dẫn đến tình trạng phải nhập khẩu vàng qua kênh chính thức, thậm chí là buôn lậu. Nếu số lượng vàng cần để đáp ứng cho thị trường lớn, hoạt động nhập khẩu này sẽ cần đến lượng ngoại tệ rất lớn. Khi đó, sẽ tác động đến tỉ giá và kinh tế vĩ mô.

Thế nhưng, thời gian qua, mặc dù giá vàng lên xuống, có lúc chênh lệch đến 4 triệu đồng/lượng, chúng ta vẫn giữ được lạm phát ở mức khoảng 8% trong năm nay và tỉ giá VND/USD vẫn ổn định. Điều này nên được nhìn nhận là một thành công của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ.

 

Nhưng nếu mức chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và thế giới cứ kéo dài thì sẽ gây sức ép nhập lậu vàng, tác động lên tỉ giá?

Nếu vậy thì sẽ rất đáng ngại. Việc không kiểm soát được thị trường để cho khoảng cách chênh lệch lên cao hơn nữa, đến 4 hoặc 5 triệu đồng/lượng có thể sẽ phát sinh nhập lậu vàng, nhất là trong bối cảnh thị trường vàng thế giới đang có nhiều biến động. Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và suy thoái tại một số nước lớn sẽ làm tăng nhu cầu về vàng và do đó, giá vàng thế giới có thể sẽ nhích lên.

Các đối tượng đầu cơ sẽ tận dụng cơ hội này để kiếm lời. Như thế, lượng ngoại tệ gom vào sẽ nhiều hơn để nhập khẩu vàng, từ đó tác động đến tỉ giá và tình hình vĩ mô.

 

Trước đây Ngân hàng Nhà nước cho biết giá vàng trong nước chênh khoảng 400.000 đồng/lượng so với giá thế giới là phù hợp. Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, cơ quan này lại nói rằng sẽ không có sự liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thế giới. Ông nghĩ gì về điều này?

Có lẽ cần hiểu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải thích theo nghĩa ngắn hạn hoặc dài hạn. Về dài hạn, thị trường vàng trong nước và thế giới phải liên thông. Nguyên tắc vật lý của bình thông nhau là mực nước hai bên phải bằng nhau. Giá vàng cũng vậy. Khi đó, giá vàng trong nước và thế giới sẽ đồng đều qua trung gian là tỉ giá VND/USD.

Còn vừa rồi khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói rằng không có liên thông, theo tôi, ông ấy muốn nói đến biện pháp hiện tại. Trong bối cảnh hiện nay, điều chúng ta cần là ổn định thị trường vàng, ổn định tiền đồng và ổn định vĩ mô. Do đó, lúc này chưa nên cho liên thông tuyệt đối và có lẽ nên chấp nhận như vậy.

 

Nhưng như thế có phải quan điểm chính sách thay đổi quá nhanh hay không?

Sự thay đổi quan điểm chính sách này tác động trực tiếp đến người dân. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tôn trọng quyền giữ vàng của người dân, nhưng không khuyến khích họ kinh doanh vàng miếng, mà chỉ khuyến khích kinh doanh vàng nữ trang. Đây là sản phẩm phổ biến đối với người Việt Nam và người dân thế giới trong các lễ hội, lễ cưới. Nhưng còn vàng miếng thì lại có câu chuyện dùng vàng để làm công cụ thanh toán, xem vàng tương tự tiền đồng hay USD. Điều đó Chính phủ không khuyến khích.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước có đề xuất đánh thuế nhiều hơn đối với hoạt động kinh doanh vàng. Đó là thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập. Tôi đồng tình với quan điểm này. Nhưng việc đánh thuế chỉ nên áp dụng ngắn hạn để ổn định thị trường vàng. Còn về lâu dài nên dùng công cụ của kinh tế thị trường hơn là dùng biện pháp hành chính.

 

Với diễn biến như hiện nay, cách nào huy động vàng trong dân là tốt nhất?

Đây là thời điểm thuận lợi để huy động vàng trong dân nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh. Muốn huy động thì có nhiều cách. Nhưng dù là cách gì, tôi không đồng tình với việc dùng ngân hàng thương mại để huy động vàng. Bởi lẽ, vừa qua, một số ngân hàng bị thua lỗ do huy động vàng trước đây, đã dùng số vàng đó bán ra để lấy tiền đồng cho vay với lãi suất cao, trong khi lãi suất huy động vàng thấp. Hậu quả là họ bị thiếu vàng khi người dân đáo hạn. Để bù vào, một số ngân hàng đã phải huy động từ thị trường với giá rất cao, khiến họ bị lỗ.